Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã

An Nhơn
08:20, 06/06/2024

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất (thuộc Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai) đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiên quyết xử lý các đối tượng buôn bán các động vật hoang dã (ĐVHD) không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp các loài ĐVHD để thả về môi trường sống tự nhiên.

Người dân tự nguyện giao nộp 2 con khỉ cho Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất. Ảnh: C.T.V
Người dân tự nguyện giao nộp 2 con khỉ cho Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất. Ảnh: C.T.V

Kết quả mang lại khá tích cực, góp phần giúp nâng cao nhận thức của người dân về các quy định pháp luật trong việc nghiêm cấm săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán động vật rừng, cũng như bảo tồn các loài ĐVHD, nhất là các loài quý hiếm.

Bán chim cút nuôi nhưng “rao” là chim hoang dã

Chim chằng nghịch là loài chim hoang dã, thường sống tại các bờ kênh nước. Loài chim này không thuộc loài nguy cấp quý hiếm nhưng là loài ĐVHD cần phải được bảo vệ.

Do du cầu của người dân thích thưởng thức những “món ngon, vật lạ”, nhất là các loài ĐVHD nên một số đối tượng đã nghĩ ra cách “treo đầu dê, bán thịt chó” để thu lợi bất chính trong thời gian vừa qua. Cụ thể, chim cút nuôi lấy trứng, khi đã già không còn khả năng cho trứng thì người nuôi sẽ “thanh lý”. Một số đối tượng mua chim cút về, tiến hành sơ chế, cắt chân và mỏ rồi thui qua lửa cho giống chim chằng nghịch. Số chim này sau đó được cho vào các thùng xốp ướp đá, đem ra quốc lộ 1 (đoạn từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom đến thị trấn Trảng Bom) dựng bảng rao bán chim chằng nghịch.

Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất Vũ Hồng Phong cho biết, giữa chim chằng nghịch hoang dã và chim cút nuôi có sự khác nhau rất rõ ràng. Chim chằng nghịch có mỏ và chân dài, mình thon, còn chim cút có mỏ và chân ngắn, thân hình mập mạp. Cho nên, các đối tượng đã thực hiện sơ chế như trên nhằm “qua mặt” người tiêu dùng.

Lực lượng Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất làm việc với những người bán chim cút nuôi nhưng lại quảng cáo là chim hoang dã.

“Tình trạng bán chim cút nhưng quảng cáo chim chằng nghịch đã từng xảy ra trên địa bàn và được Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết ngăn chặn, xử lý. Sau một thời gian dài ngưng hoạt động, tình trạng trên tiếp tục diễn ra” - ông Phong cho hay.

Cũng theo ông Phong, khi nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất nhanh chóng triển khai lực lượng kiểm tra các đối tượng bán chim cút nhưng lại quảng cáo là chim chằng nghịch tại khu vực phía trước Khu công nghiệp Bàu Xéo (thuộc thị trấn Trảng Bom). Tại đây, tổ công tác đã tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về công tác quản lý các loài động vật rừng, chim hoang dã. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng ký cam kết không được tái phạm việc mua bán, quảng cáo trái phép các loài động vật rừng và chim hoang dã.

Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất còn phối hợp với một số cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các đối tượng buôn bán chim cút.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 760 cơ sở gây nuôi ĐVHD với 72 loài, hơn 365 ngàn cá thể. Những tổ chức, cá nhân gây nuôi ĐVHD phải chấp hành theo đúng các quy định pháp luật và được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ.

Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành của người dân

Ông Vũ Hồng Phong cho biết thêm, mỗi loài ĐVHD đều có giá trị và nằm trong chuỗi “mắt xích” liên kết chặt chẽ của hệ sinh thái. Nếu một mắt xích mất đi thì chuỗi mắt xích hệ sinh thái cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, thời gian qua, đơn vị luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng. Trong đó, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật rừng, các loài chim hoang dã; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài ĐVHD…

Chim cút nuôi được sơ chế cho giống chim hoang dã nhằm “qua mặt” người tiêu dùng.
Chim cút nuôi được sơ chế cho giống chim hoang dã nhằm “qua mặt” người tiêu dùng.

Những giải pháp đồng bộ trên đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Thời gian qua, một số người dân đã ý thức tự nguyện giao nộp các loài ĐVHD, trong đó có một số loài nằm trong danh sách động vật nguy cấp, quý hiếm.

Gần đây nhất, vào ngày 28-5, anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đã tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất 2 cá thể khỉ đuôi dài và khỉ đuôi lợn. Đơn vị đã tiếp nhận và phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thả 2 cá thể trên về với môi trường tự nhiên.

Trước đó, nhiều người dân cũng đã chủ động liên hệ với Hạt Kiểm lâm liên huyện Trảng Bom - Thống Nhất để giao nộp các loài ĐVHD như: khỉ đuôi dài, cầy tai trắng, mèo rừng, tê tê java, chồn bạc má…

“Đối với những cá thể khỏe mạnh, chúng tôi phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để sớm thả chúng về với môi trường tự nhiên. Còn với những cá thể bị nuôi nhốt lâu ngày, sức khỏe yếu thì chúng tôi phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên thực hiện cứu hộ kịp thời, chờ cho sức khỏe những cá thể này hoàn toàn bình phục mới thả về rừng” - ông Phong chia sẻ.

An Nhơn

Tin xem nhiều