Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa tai nạn giao thông với học sinh

Đăng Tùng
09:00, 24/10/2023

Hơn 1 tháng rưỡi kể từ khi năm học 2023-2024 bắt đầu, dù đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, xử lý nhưng tình trạng học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vẫn xuất hiện tràn lan.

Công an P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo. Ảnh: Đ.Tùng

Phần lớn là học sinh bậc THCS và THPT điều khiển xe máy, xe đạp điện đến trường không tuân thủ pháp luật về giao thông.

* Vẫn còn nhiều học sinh vi phạm giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, một số khu vực thường có học sinh vi phạm trật tự ATGT tại TP.Biên Hòa như: đường Nguyễn Ái Quốc từ ngã tư cầu Hóa An đến vòng xoay cầu Hang (P.Hóa An) và từ ngã tư Tân Phong đến khu vực công viên Dương Tử Giang (P.Tân Phong và P.Tân Tiến); đường Phạm Văn Thuận đoạn gần ngã tư Vincom (P.Tân Mai)... Các đoạn đường trên thường xuyên xuất hiện tình trạng học sinh các trường THPT đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; đi hàng 2-3; thậm chí điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện (độ tuổi và giấy phép lái xe phù hợp)…

Đáng chú ý, Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), Trường THPT Nguyễn Khuyến (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa)… là những trường hàng ngày có nhiều học sinh đi học bằng xe máy. Trong đó, không ít trường hợp điều khiển xe máy trên 50cm3. Vì các trường không giữ xe trong khuôn viên nên nhiều học sinh chọn cách gửi xe tại các hộ dân xung quanh trường. Một số học sinh cho hay, việc này vừa tiện lợi cho việc gửi xe, vừa tránh bị nhà trường nhắc nhở khi điều khiển xe máy trên 50cm3 đến trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngụ P.Tân Tiến) phản ảnh: “Nhiều phụ huynh mà tôi quen rất chiều con, sẵn sàng giao xe máy phân khối lớn cho học sinh đi học mỗi ngày. Lý do họ đưa ra là ngại con em đi học bằng xe đạp vất vả và để tiện cho việc đi học thêm. Tuy nhiên, khi giao xe, nhiều phụ huynh không để ý rằng con em họ chạy xe rất ẩu, thậm chí có trường hợp đi sai làn đường, hoặc vừa chạy xe vừa đùa giỡn rồi va quẹt các loại xe khác”.

Thực tế, nhiều người đi đường rất lo ngại việc đi gần các em học sinh bởi kỹ năng lái xe, xử lý tình huống của các em chưa đảm bảo an toàn. Việc này sẽ gây nguy hiểm cho chính học sinh điều khiển xe và cả những người xung quanh, thậm chí có thể dẫn đến tai nạn giao thông.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trong 9 tháng của năm 2023, lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền về ATGT được 177 buổi với trên 160 ngàn học sinh, sinh viên và giáo viên các trường tham dự. Đồng thời, phát hơn 120 ngàn tài liệu tuyên truyền về ATGT, tặng 375 mũ bảo hiểm cho các em học sinh trên toàn tỉnh.

Ngày 10-10, Công an TP.Biên Hòa ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT với học sinh. Qua đó phát hiện nhiều trường hợp học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe phù hợp. Việc này đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân TP.Biên Hòa.

Tại Đồng Nai, trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm 2 người chết, 7 người bị thương (trên tổng số 232 vụ tai nạn giao thông đường bộ toàn tỉnh, làm 205 người chết, 116 người bị thương). Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 100 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. Chủ yếu là các hành vi: không đội mũ bảo hiểm; lái xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe phù hợp…

* Cần có giải pháp “mạnh tay” hơn

Vừa qua, Công an tỉnh, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn đã tổ chức họp về công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Tại buổi họp, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã đề ra một số giải pháp căn cơ như: ra quân thường xuyên tuyên truyền về ATGT; tăng cường kiểm tra các điểm gửi xe trước cổng trường; phối hợp xử lý học sinh đi xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe…

Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tuyên truyền sâu rộng các chuyên đề về ATGT. Đặc biệt, trong quá trình xử lý học sinh vi phạm cần xác minh xem phụ huynh nào là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giao xe máy cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe phù hợp sẽ gửi thông báo cho cơ quan quản lý để có bước xử lý tiếp theo.

Ý kiến chỉ đạo này đang nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, nhất là phụ huynh học sinh. Chị T.T.T. (có con đang học tại một trường tiểu học ở P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, với phương châm xử lý vi phạm giao thông “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” của lực lượng công an hiện nay, việc xử lý phụ huynh là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giao xe máy cho con em khi chưa đủ tuổi là điều phù hợp. Thực tế đầu năm học nào các trường cũng yêu cầu phụ huynh cam kết chấp hành quy định về ATGT nhưng chưa có biện pháp xử lý khi phụ huynh “tiếp tay” cho học sinh vi phạm. Do đó, việc này sẽ hạn chế được tình trạng học sinh vi phạm các quy định về giao thông, đồng thời ngăn ngừa việc cả nể, “xin xỏ” trong quá trình xử lý vi phạm với học sinh.

Để đảm bảo ATGT cho học sinh khi đến trường, Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Lê Quang Bình đề nghị các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh và Sở GT-VT duy trì công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong hoạt động đưa rước học sinh bằng xe ô tô. Thường xuyên kiểm tra và xử lý các trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT, các biện pháp xử lý cần bảo đảm vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, tuyên truyền.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều