Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động bị nợ lương khi doanh nghiệp ngừng hoạt động

Đoàn Phú
08:31, 10/08/2023

Không ít người lao động (NLĐ) khổ sở khi doanh nghiệp (DN) nơi mình làm việc bị phá sản, ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ lương NLĐ.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn pháp luật cho người lao động đòi quyền lợi khi công ty ngừng hoạt động mà còn nợ lương. Ảnh: Đ.PHÚ

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, dù DN tuyên bố phá sản, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với NLĐ vẫn được thanh toán.

* Vất vả đi đòi quyền lợi

Ông Võ Văn Minh (ngụ tại TP.Biên Hòa) cùng 6 công nhân khác cùng làm việc tại Công ty TNHH MTV T.P. (gọi tắt Công ty T.P., đóng tại P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) trình bày, tháng 7-2022, các ông ký hợp đồng lao động có thời hạn (2 năm) với Công ty T.P. và được phân công nhiệm vụ là giao hàng, mức lương 10 triệu đồng/tháng/người.

Tháng 7-2023, Công ty T.P. cho toàn bộ cán bộ, nhân viên nghỉ việc nhưng không trả phần lương còn nợ trong tháng 5 và tháng 6 -2023 nên ông Minh cùng các công nhân khác tìm gặp chủ DN đòi tiền (khoảng 15 triệu đồng/người) thì được trả lời hiện DN đang làm thủ tục phá sản nên phải chờ giải quyết sau.

“Chúng tôi là lao động phổ thông, hoàn cảnh khó khăn, đi làm để trang trải cuộc sống gia đình. Nếu Công ty T.P. phá sản thì không biết khi nào mới đòi được quyền lợi của mình?” - ông Minh bày tỏ.

Theo Khoản 2, Điều 48, Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, HTX bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Hay như trường hợp của ông Trần Văn Tiến (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) thắc mắc, DN nơi ông làm việc đã tuyên bố phá sản vào tháng 3-2023, tuy vậy ông vẫn chưa được công ty thanh toán khoản nợ lương và các chế độ khác gần 20 triệu đồng. Như vậy, liệu số tiền này ông có đòi được không khi DN đã phá sản?

Trao đổi về nội dung trên, theo luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa), sẽ có 2 tình huống xảy ra. Thứ nhất, nếu DN phá sản và hoàn tất các thủ tục phá sản theo đúng quy định của pháp luật thì tài sản của DN còn lại sau khi chi trả chi phí phá sản sẽ tiếp tục dùng vào việc chi trả khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với NLĐ, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết với NLĐ.

Thứ hai, trường hợp DN chưa thực hiện thủ tục phá sản thì NLĐ gặp lãnh đạo công ty và gửi đơn yêu cầu thanh toán những khoản lương và chế độ chưa được thanh toán. Hoặc khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở LĐ-TBXH nơi DN đặt trụ sở để được giải quyết, hay khởi kiện vụ việc ra tòa án để đòi quyền lợi.

“Khi công ty cổ phần, công ty TNHH phá sản, pháp luật chỉ quy định công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản công ty đang có và phần vốn của công ty đối với các khoản nợ, kể cả tiền lương của NLĐ. Còn đối với DN tư nhân, HTX, hộ kinh doanh thì ngoài chịu trách nhiệm về tài sản, phần vốn góp thì chủ DN, thành viên HTX, hộ kinh doanh chịu trách nhiệm cá nhân không giới hạn đối với khoản nợ khi phá sản, giải thể” - luật gia Đức lưu ý.

* Nghĩa vụ DN phải thực hiện khi phá sản

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 5,1 ngàn DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; hơn 5,7 ngàn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; hơn 1,4 ngàn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Riêng tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023 (tính từ tháng 1 đến tháng 4-2023), toàn tỉnh cũng có 163 DN giải thể, có 763 DN tạm ngừng kinh doanh. Nguyên nhân giải thể, chấm dứt hoạt động, tạm ngừng hoạt động chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả, gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, vốn…

Theo các chuyên gia về kinh tế, việc DN chấm dứt, dừng hay tạm dừng hoạt động, tuyên bố phá sản đều là ngoài ý muốn. Bởi vì khi bỏ vốn, trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư, không DN nào muốn xảy ra điều đó, họ luôn hướng tới mục tiêu kinh doanh hiệu quả, đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, giải quyết việc làm càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, trước tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn, DN không còn khả năng “gồng” mình duy trì hoạt động, trả nợ, thua lỗ kéo dài… thì buộc phải giải thể, phá sản. Trong hoàn cảnh này, DN đối diện với nhiều khó khăn lẫn trách nhiệm phải giải quyết như: chi phí phá sản; thanh toán các nghĩa vụ còn nợ đối với NLĐ; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của DN; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ…

Luật sư Nguyễn Trung Tín (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, các khoản chi phí nêu trên là nghĩa vụ DN phải thực hiện khi được tòa án chấp thuận cho phá sản và thực hiện phá sản. Còn trước đó, DN phải thực hiện rất nhiều thủ tục tốn kém thời gian, chi phí như: chỉ định quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản; kiểm toán DN mất khả năng thanh toán; giám sát hoạt động kinh doanh của DN; xác định nghĩa vụ tài sản (giá trị nghĩa vụ, tiền lãi, xử lý khoản nợ có bảo đảm, thứ tự phân chia tài sản); các biện pháp bảo toàn tài sản (áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời); tổ chức hội nghị chủ nợ…

Theo luật sư Nguyễn Trung Tín, khi DN tuyên bố chấm dứt hoạt động, phá sản thì NLĐ cần thực hiện các bước quan trọng như: làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động; yêu cầu DN hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc để làm cơ sở đòi quyền lợi về sau.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Hướng dẫn tải cv xin việc chất lượng https://ifree.vn/