Chính phủ vừa đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh số DN đang rời khỏi thị trường tương đương, thậm chí nhiều hơn DN được thành lập mới, con số đưa ra khó khả thi.
Chính phủ vừa đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh số DN đang rời khỏi thị trường tương đương, thậm chí nhiều hơn DN được thành lập mới, con số đưa ra khó khả thi.
Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn. Ảnh: V.GIA |
Từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước có hơn 19 ngàn DN rời khỏi thị trường. DN đang cần nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ để vượt qua khó khăn.
* DN rút lui khỏi thị trường gia tăng
Chỉ xét riêng tại Đồng Nai, theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 4, có hơn 1 ngàn DN thành lập mới (bằng 79% so với cùng kỳ) thì cũng có đến 163 DN giải thể, tăng 31,2% và có 185 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, kinh tế khó khăn, có 763 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 45,8% so với cùng thời gian này năm trước. Các DN này chủ yếu là nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động, tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Nếu tình hình kinh doanh ảm đạm còn kéo dài thì việc trở lại thị trường là rất khó khăn.
Thị trường xuất khẩu thế giới biến động, sụt giảm do lạm phát và tổng cầu yếu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trực tiếp tại Việt Nam. Từ các DN, nhà đầu tư lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến các DN Việt chuyên làm hàng gia công, DN thứ cấp đều bị tác động.
Theo ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa), hầu hết các DN trong ngành đang có sự khó khăn chung, nhất là những DN trước nay làm hàng xuất khẩu. Đơn cử như Vinastar, sản lượng hàng làm cho đối tác trong nước và xuất khẩu sụt giảm mạnh, DN đang phải co kéo, điều tiết, tìm mọi cách để có việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, chủ một hệ thống kinh doanh đồ gia dụng, sản phẩm tiêu dùng hàng ngày ở Biên Hòa cho hay, trước đây mỗi tháng doanh thu vài trăm triệu đồng, cao điểm có tháng lên tới 1 tỷ đồng nhưng tháng 4 vừa qua tổng kết lại doanh thu chỉ được hơn 77 triệu đồng, trừ chi phí chỉ đủ trả tiền cho nhân viên. Điều đó cho thấy sự khó khăn về kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất mà ngay cả lĩnh vực tiêu dùng người dân cũng thắt chặt chi tiêu.
Làn sóng trả mặt bằng tại những khu vực đắc địa ở các đô thị lớn và cả ở Biên Hòa đang hàng ngày diễn ra. Mới đây, Trung tâm thương mại Parkson Vietnam (TP.HCM) sau khi trải qua giai đoạn thua lỗ đã chính thức nộp đơn xin phá sản hay như Thế giới di động thông tin có tới hơn 9 ngàn lao động nghỉ việc trong 6 tháng qua là một trong những ví dụ điển hình cho thấy sự co hẹp lại của thị trường.
* Cần thực thi ngay các chính sách hỗ trợ
Trên thực tế, trong những tháng qua, các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm quy mô sản xuất, thậm chí sa thải nhiều lao động do khó khăn về đầu ra ở thị trường thế giới. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như: dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử…
Trong bối cảnh khó khăn, vấn đề đặt ra là phải thực thi càng sớm càng tốt các chính sách hỗ trợ DN. Theo Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung, Đồng Nai kiến nghị Bộ Công thương và các cơ quan liên quan một số nội dung để hỗ trợ DN, trong đó xem xét giảm giá điện, nước, phí sử dụng hạ tầng, giảm thuế thu nhập DN, giảm mức đóng bảo hiểm cho người lao động để giảm áp lực phần nào cho DN. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn thu nhập không ổn định và được vay ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội... Đối với việc thúc đẩy xuất khẩu, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan, giúp DN có thể tiếp cận nhanh nhất với nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất cũng như xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi
Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn |
Về phía các DN, nguồn vốn là rất cần thiết nhưng chính sách cho vay cần tính tới tình hình khó khăn thực tế hiện nay. Theo đó, việc nới lỏng điều kiện vay vốn, DN mong các ngân hàng có thể để DN thế chấp bằng vật tư nguyên liệu và các thành phẩm, các hàng tồn kho. Bởi lẽ, nếu ngân hàng yêu cầu DN thế chấp bằng nhà xưởng, máy móc, thiết bị thì những thứ này đã thế chấp cho ngân hàng để đầu tư sản xuất, xây dựng nhà xưởng rồi. Đồng thời, với những khoản nợ tới hạn thanh toán, ngân hàng có thể tiếp tục xem xét hoãn nợ, giãn nợ để hỗ trợ.
Trong vùng Đông Nam bộ, ngoài Đồng Nai thì TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung rất nhiều DN trên các lĩnh vực. Và 4 tháng đầu năm nay, khu vực này có rất nhiều DN phải rời khỏi thị trường do khó khăn. Riêng TP.HCM, trong quý I-2023, có hơn 11,3 ngàn DN tạm dừng hoạt động, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, hơn 80% DN gặp khó do thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều.
Theo Hiệp hội DN TP.HCM, khả năng trong quý II-2023, tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, Hiệp hội đề xuất Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ DN trong thời điểm này là gia hạn nợ vay, hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, đơn giản thủ tục hành chính.
Các đề xuất của Hiệp hội DN TP.HCM cũng là mong muốn của các DN trong khu vực Đông Nam bộ. Nếu các đề xuất trên được giải quyết kịp thời sẽ giúp hàng ngàn DN ổn định sản xuất, kinh doanh, không phải rời khỏi thị trường.
Văn Gia