Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng vẫn còn 'neo' giá

08:05, 20/05/2023

Khoảng 2 tháng vừa qua, giá các loại nhiên liệu xăng, dầu liên tục giảm. Trong đó, giá xăng về mức thấp nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Tuy nhiên, ghi nhận trên thị trường, nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng, dịch vụ vẫn "neo" ở mức giá khá cao.

Khoảng 2 tháng vừa qua, giá các loại nhiên liệu xăng, dầu liên tục giảm. Trong đó, giá xăng về mức thấp nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Tuy nhiên, ghi nhận trên thị trường, nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng, dịch vụ vẫn “neo” ở mức giá khá cao.

Người tiêu dùng chọn mua các loại rau xanh tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: HẢI QUÂN
Người tiêu dùng chọn mua các loại rau xanh tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: HẢI QUÂN

Theo nhiều tiểu thương, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, do các chi phí phát sinh như giá cước vận tải, giá nguyên vật liệu đầu vào còn ở mức cao trong khi sức mua bị sụt giảm… khiến cho giá bán lẻ nhiều loại mặt hàng, dịch vụ vẫn chưa giảm.

* Giá nhiều mặt hàng chưa “hạ nhiệt”

Khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh, giá bán lẻ nhiều mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn còn ở mức cao như ở thời điểm sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo nhiều tiểu thương, nguyên nhân là do nguồn cung chưa ổn định, nhiều chi phí phát sinh như cước vận tải vẫn chưa giảm… Giá của nhiều mặt hàng như: rau xanh, thủy - hải sản, gia vị, thực phẩm khô… chưa thực sự “hạ nhiệt”, thậm chí một số mặt hàng còn tăng giá so với thời điểm Tết Nguyên đán.

Ông N., chủ một sạp tạp hóa ở chợ Long Thành (H.Long Thành) chia sẻ, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm khô, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, đường, mì ăn liền… hiện vẫn giữ giá cao như thời điểm Tết Nguyên đán. Đơn cử như đường tinh luyện hiện có giá khoảng 25 ngàn đồng/kg, mì ăn liền loại phổ biến khoảng 118-120 ngàn đồng/thùng, tăng khoảng 10-15% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lộc, tiểu thương kinh doanh các loại thủy - hải sản ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, hơn 1 tháng qua, giá nhiều loại thủy - hải sản có xu hướng tăng, nhất là các loại cá biển do nguồn cung ứng ít hơn, chi phí trung gian, vận tải vẫn còn ở mức cao. Hiện tại, giá nhiều loại cá đang ở mức cao, trong đó cá nục có giá khoảng 60 ngàn đồng/kg, cá bạc má 90 ngàn đồng/kg, cá ngừ 70-80 ngàn đồng/kg, cá thác lác nguyên con 76-78 ngàn đồng/kg, cá diêu hồng 60 ngàn đồng/kg, cá lóc 66-70 ngàn đồng/kg…

Theo nhiều tiểu thương, giá nhiều loại rau xanh có xu hướng giảm nhưng chưa nhiều, cá biệt có một số loại như: rau thơm, xà lách… có xu hướng tăng khoảng 5-10% so với tháng 4-2023. Nguyên nhân là nguồn cung khan hàng do tình hình thời tiết biến động, các chi phí trung gian (giá cước vận tải, tiền thuê nhân công, các khâu logistics) vẫn ở mức giá cũ.

* Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Mặt bằng giá các loại thực phẩm, nông sản vẫn còn cao, trong khi lượng khách giảm khiến cho nhiều cửa hàng, chuỗi kinh doanh dịch vụ ăn uống tiếp tục phải cân đối chi phí vận hành, giảm lợi nhuận trong thời gian qua.

Ông Anh Vũ, quản lý một chuỗi quán ăn ở TP.Biên Hòa chia sẻ, dù giá xăng, dầu giảm liên tục so với đầu năm nay nhưng giá nhiều loại nguyên, vật liệu đầu vào vẫn còn ở mức cao. Điều này tác động tới chi phí vận hành của chuỗi, buộc chuỗi phải tính toán để cân đối các chi phí phát sinh, đảm bảo giữ giá bán ra trên thực đơn.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 4 vừa qua, có một số nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số tăng so với tháng 3-2023 gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 0,32%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,06%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,01%); nhóm giáo dục (tăng 0,87%)... Chỉ số giá bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 3,15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, tình hình kinh doanh của nhiều ngành hàng, lĩnh vực trong những tháng đầu năm đều chững lại khi người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, người lao động đang phập phồng lo giảm giờ làm, mất việc; vừa cố gắng cân đối mức sống với đồng lương ít ỏi trước làn sóng “bão giá”.

Bà Huyền Như, công nhân tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, nhu cầu ăn uống tiêu dùng là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, cho dù các mặt hàng khác như gas, xăng dầu có giảm nhưng một khi các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng đã tăng thì "một đi không trở lại" mức cũ. Bên cạnh đó, giá điện lại tăng trong tháng gần nhất. Điều này càng làm cho cuộc sống của người dân, công nhân lao động thêm nhiều khó khăn.

"Để chủ động được tài chính, tôi phải tự thắt chặt chi tiêu, dè sẻn từng bữa ăn để cân đối cho cả gia đình cầm cự qua ngày. Dù xăng dầu, gas giảm nhưng tiền điện, chi phí sinh hoạt đều tăng vào mùa nắng nóng trong khi các khoản thu nhập vẫn thế, tạo ra bài toán vô cùng khó cho người dân" - bà Như trăn trở.

Không chỉ giá lương thực, thực phẩm vẫn còn cao mà hiện nay giá các loại hàng tiêu dùng, sữa, đồ dùng trẻ em bán trên thị trường cũng được điều chỉnh tăng từ 5-10%. Đây là một nghịch lý khi giá xăng, dầu giảm sâu nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng vẫn giữ nguyên hoặc ở mức cao.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích