Phần đông doanh nghiệp (DN) sản xuất quy mô nhỏ đang đối diện tứ bề khó khăn. Một số DN có cơ hội để "lớn lên" nhưng cũng không dễ dàng bởi những khó khăn đến từ thủ tục tiếp cận đất đai, tín dụng…
Phần đông doanh nghiệp (DN) sản xuất quy mô nhỏ đang đối diện tứ bề khó khăn. Một số DN có cơ hội để “lớn lên” nhưng cũng không dễ dàng bởi những khó khăn đến từ thủ tục tiếp cận đất đai, tín dụng…
Mặt bằng nhỏ hẹp, sản xuất trong khu dân cư đang là vướng mắc của nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai. Trong ảnh: Một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa đang rất cần mặt bằng để mở rộng quy mô. Ảnh minh họa: V.Thế |
Thiếu mặt bằng cho sản xuất là cản trở chính của nhiều DN. Do đó, DN mong được tháo gỡ sớm để thúc đẩy phát triển bền vững. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự chung tay, đồng hành từ cả phía Nhà nước và DN.
* Thiếu mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh
Những khó khăn về mặt bằng sản xuất, mặt bằng kinh doanh ngày càng đè nặng trên vai các DN nhỏ, khi giá đất càng ngày càng tăng cao trong khi nguồn lực tài chính có hạn.
Ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) chia sẻ, nhiều năm nay, công ty dự tính xây dựng một nhà máy lớn để sản xuất ra các máy móc tự động vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính là công ty không đủ khả năng thuê diện tích đất lớn trong khu công nghiệp.
Ông Lê Xuân Thời, Giám đốc Công ty TNHH Astek (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty chuyên sản xuất dây chuyền đóng gói tự động và đang cần diện tích đất công nghiệp lớn để xây dựng nhà máy. Nhưng công ty đang ở trong giai đoạn khởi nghiệp, mọi lợi nhuận phần lớn đầu tư vào máy móc, xây dựng hệ thống nên không thể thuê đất trong các khu sản xuất tập trung được. Điều này khiến cho việc mở rộng, liên kết sản xuất với các đối tác vì thế cũng bị ảnh hưởng.
* Cần có giải pháp lâu dài
Những năm qua, Đồng Nai cũng như các địa phương khác đã tạo điều kiện để DN di dời những cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư vào các cụm công nghiệp. Tuy nhiên, việc này không dễ, vì di dời đến các cụm công nghiệp thì DN phải có khoản vốn lớn để thuê đất, đầu tư nhà xưởng, máy móc. Trong khi hơn 3 năm dịch bệnh Covid-19 đã khiến DN rất khó khăn.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long, DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn rất nhiều về mặt bằng sản xuất, vốn, thủ tục hành chính. Nhiều DN mất vài năm mới có mặt bằng để làm thủ tục đầu tư, thời gian kéo dài, khi chuẩn bị được các điều kiện thì cơ hội cũng trôi qua.
Khảo sát tại nhiều DN cho thấy, nhu cầu được vào các khu, cụm công nghiệp để sản xuất là rất lớn, đặc biệt là các DN ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhiều DN kiến nghị địa phương cần nghiên cứu, thiết lập cụm công nghiệp cho ngành công nghiệp hỗ trợ để các DN nhỏ và vừa tập trung lại. Khi đó, đối tác nước ngoài tới làm việc sẽ dễ hình dung ra chuỗi liên kết và cũng cho họ thấy năng lực thực sự của DN, bởi việc sản xuất nhỏ lẻ, phân tán bên ngoài rất khó để thuyết phục các đối tác lớn hợp tác lâu dài.
Đồng Nai hiện có hàng chục ngàn DN có vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, số lượng DN hoạt động trong khu, cụm công nghiệp chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại vẫn đang sản xuất trong khu dân cư hoặc các khu đất chưa phù hợp quy hoạch. Điều này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, về lâu dài, việc sản xuất tại những khu vực không phù hợp, nằm trong khu dân cư chắc chắn sẽ không được. Định hướng của Đồng Nai là sản xuất phải phù hợp với quy hoạch và thân thiện với môi trường. Do vậy, cần phải có sự chuẩn bị từ phía địa phương và các DN. Các DN cần nắm rõ quy hoạch của tỉnh để xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, tính toán dành nguồn lực đầu tư vào những khu vực được địa phương chấp thuận.
Văn Gia