Báo Đồng Nai điện tử
En

Chọn mô hình sản xuất mới cho vùng hạn mặn

07:04, 17/04/2023

Khoảng 7-8 năm trước, vùng hạ nguồn sông Đồng Nai bị xâm nhập mặn nặng, hàng trăm ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Sau các nỗ lực đắp đê ngăn mặn, nạo vét kênh rạch… nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành.

Khoảng 7-8 năm trước, vùng hạ nguồn sông Đồng Nai bị xâm nhập mặn nặng, hàng trăm ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Sau các nỗ lực đắp đê ngăn mặn, nạo vét kênh rạch… nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành.

Anh Huỳnh Văn Lâm, xã Phước An, H.Nhơn Trạch cải tạo đất nhiễm phèn, mặn trồng bưởi da xanh. Ảnh: H.LỘC
Anh Huỳnh Văn Lâm, xã Phước An, H.Nhơn Trạch cải tạo đất nhiễm phèn, mặn trồng bưởi da xanh. Ảnh: H.LỘC

Tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân được kiểm soát.

* Nhiều mô hình sản xuất mới

Khu vực ven sông xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) trước đây chủ yếu là 2 loại cây trồng lúa và mía. Nay trên vùng này đã có nhiều mô hình mới như: chuối, mít, dừa xiêm, hoa màu; tôm, cá…

Ông Tô Thanh Hiền ngụ xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) cho biết, trước đây ông trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế thấp vì đất bị nhiễm phèn, mặn. Năm 2019, ông hợp tác với một doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM trồng chuối già Nam Mỹ. Trước khi trồng chuối, ông đầu tư hệ thống kênh mương để thau chua rửa mặn và dẫn nước ngọt về vườn. Nhờ cách làm này, đất được ngọt hóa trở lại, cây chuối phát triển tốt. Sản phẩm được DN bao tiêu đầu ra.

Còn tại xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch), đáng chú ý mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Trường Đại, trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Mai Thế Hiển, trồng rau sạch của anh Trần Văn Sinh…

Anh Huỳnh Văn Lâm, ngụ xã Phước An (H.Nhơn Trạch), một điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2022 cho biết, trước đây gia đình anh trồng tràm vì đất xấu. Năm 2018 anh quyết định vay mượn gần 1,2 tỷ đồng cải tạo đất, làm hệ thống tưới nước tiết kiệm trồng 400 cây bưởi da xanh. Sau nhiều nỗ lực, vườn bưởi cũng kết trái. Hiện tại bình quân anh Lâm thu hoạch 3 tấn bưởi/tháng và thu hồi được gần 1/2 số tiền đầu tư. Ngoài ra, anh còn nhân giống cây bán, hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ có nhu cầu trồng thử nghiệm.

Ở vùng trũng thuộc các xã Long Tân, Đại Phước, Phú Hội (H.Nhơn Trạch) nhiều nông chọn gắn bó với cây sen bởi dễ trồng, cho thu hoạch quanh năm và không phải bỏ bất kỳ bộ phận nào của cây sen. Để gia tăng hiệu quả kinh tế, một số hộ còn kết hợp nuôi cá, tôm theo hình thức quảng canh tự nhiên.

Có thể thấy, từ chỗ chỉ có cây lúa, cây mía và việc canh tác hoàn toàn phụ vào thiên nhiên, đến nay vùng hạ du sông Đồng Nai đã có vùng nuôi tôm công nghệ cao, vùng chuyên canh sen và nhiều loại cây trồng mới. Cùng với đó, diện tích đất bỏ hoang ngày một giảm, thu nhập của người nông dân tăng.

* Chủ động ngăn mặn

Vài năm trở lại đây, tình trạng hạn, mặn không còn gay gắt như trước nhờ có công trình thủy lợi, các dự án nạo vét kênh mương, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Lê Quán Khang, Trạm trưởng Trạm Khai thác công trình thủy lợi Nhơn Trạch cho rằng, các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác ngăn mặn, trữ ngọt. Hiện tại là mùa khô nhưng độ mặn bên trong công trình thủy lợi chỉ ở mức 0,1‰.

“Các giải pháp công trình được vận hành đúng quy trình, đảm bảo không bị nước mặn xâm nhập, không bị thất thoát nước ngọt. Mỗi ngày chúng tôi lấy nước đo độ mặn 2 lần, trường hợp độ mặn bên ngoài vượt 2‰ sẽ đóng không cho nước vào. Ngược lại, khi độ mặn xuống thấp sẽ lấy nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, nuôi trồng thủy sản” - ông Khang chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho rằng, mùa khô năm nay độ mặn, nguồn nước đều ổn, sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Ông Việt chỉ ra 3 lý do, đó là: nguồn nước ở các sông, suối thượng nguồn khá dồi dào; công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành công trình thủy lợi được đảm bảo; bố trí lịch thời vụ phù hợp.

Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân chia sẻ, thời gian qua huyện đã thực hiện đồng loạt các giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn. Trong đó, tập trung cho việc nạo vét kênh mương dẫn nước, trữ nước. Việc chuyển đổi từ đất lúa, mía kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái không chỉ giải quyết tình trạng xâm nhập mặn mà còn góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các dự án nạo vét kênh, mương nội đồng bị bồi lắng; đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh. Theo dõi tình hình điều tiết nguồn nước và phối hợp với các bên thực hiện quan trắc nước tại các cửa dẫn nguồn kịp thời khuyến cáo, có giải pháp ngăn mặn.

Mùa khô năm 2015-2016, độ mặn ở vùng hạ du sông Đồng Nai tăng lên 5‰, nhiều đồng ruộng bị ảnh hưởng. Hiện tại, độ mặn tương đối thấp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả được hình thành.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều