Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc truy xuất nguồn gốc nông sản. Cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc truy xuất nguồn gốc nông sản. Cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây thông qua việc quét mã số vùng trồng. Ảnh: B.Nguyên |
Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nhất là hỗ trợ nông dân thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.
* Đồng hành với nông dân, HTX
Sau hơn 4 năm đàm phán, Việt Nam vừa chính thức xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đợt đánh giá này, 100% vùng trồng và cơ sở đóng gói của Đồng Nai đăng ký tham gia đều đạt chuẩn và được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng với quy mô 533ha được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 6.448ha. Trong đó, có 22 mã số vùng trồng cho cây bưởi với diện tích gần 1,7 ngàn ha; 21 mã vùng trồng sầu riêng với hơn 1,5 ngàn ha; 7 mã số vùng trồng chuối diện tích hơn 1,5 ngàn ha; 4 mã số vùng trồng thanh long diện tích 460ha… |
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác... Đặc biệt, chương trình này giúp nông dân nâng cao nhận thức về chất lượng, an toàn thực phẩm. Có thể xem đây là chìa khóa xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng và đang tập trung giám sát, hoàn thiện hồ sơ trình công nhận mới 12 mã vùng trồng chuối, sầu riêng xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với tổng diện tích hơn 24 ngàn ha.
Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (H.Xuân Lộc) Nguyễn Thế Bảo cho biết, HTX là một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mã số vùng trồng. Tham gia chương trình, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, nhất là về kinh phí thực hiện. Có mã số vùng trồng, thương hiệu trái xoài Suối Lớn cũng được cả thị trường nội địa và xuất khẩu nhận biết tốt hơn. Hiện trái xoài Suối Lớn đã đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước, trong đó có những thị trường khó tính.
* Tăng nhanh diện tích cấp mã vùng trồng
Toàn tỉnh có hơn 49 ngàn ha cây ăn trái lâu năm. Trong đó, nhiều loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu với diện tích lớn như: xoài, mít, chuối, sầu riêng... Nhưng thời gian qua, hết xoài lại đến chuối, mít… chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch vốn gặp nhiều rủi ro.
Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) Trần Thị Tú Oanh cho biết, để chuẩn bị công tác xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2021, Sở NN-PTNT đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Kết quả, tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh đều đạt trong đợt đầu đánh giá, cấp mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Thời gian tới, chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Theo kế hoạch thực hiện thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh của Sở NN-PTNT, công tác kiểm tra, thiết lập các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhu cầu xuất khẩu nông sản được thực hiện hằng năm. Triển khai thực hiện cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu theo đúng quy định, tiêu chuẩn và yêu cầu của nước nhập khẩu.
Để đạt mục tiêu đặt ra trong việc nhân rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng thông qua các hoạt động: tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói về các quy định, tiêu chí liên quan đến thiết lập, kiểm tra và giám sát, từ đó sẽ tập huấn cho các tổ chức, cá nhân để phục vụ cấp và quản lý mã số. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng 20 chuỗi liên kết tiêu thụ các loại nông sản xuất khẩu, trong đó có 100% diện tích cây trồng của các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng. |
Bình Nguyên