Cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp hàng hóa cho các đối tác ở trong và ngoài nước rất lớn khi sự ổn định về kinh tế - xã hội ở Việt Nam luôn được giữ vững. Cơ hội lớn nhưng các DN còn gặp những rào cản.
Cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp hàng hóa cho các đối tác ở trong và ngoài nước rất lớn khi sự ổn định về kinh tế - xã hội ở Việt Nam luôn được giữ vững. Cơ hội lớn nhưng các DN còn gặp những rào cản.
Công nghiệp hỗ trợ có cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu song vẫn còn gặp nhiều rào cản. Ảnh: V.Gia |
Quy mô nhỏ, thiếu vốn, nhân lực và kỹ thuật, cũng như phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên, vật liệu sản xuất nhập khẩu... là những yếu tố cản đường DN.
* Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử, gỗ… nên chịu ảnh hưởng lớn từ các thị trường thế giới.
Với ngành gỗ, hạn chế lớn nhất hiện nay là phát triển nhanh nhưng chưa bền vững do chưa có thương hiệu quốc gia và DN mang tầm cỡ quốc tế; sức cạnh tranh còn kém, năng lực quản trị DN chưa cao.
Là địa phương phát triển về sản xuất, xuất khẩu gỗ, theo thống kê năm 2021 của Sở NN-PTNT, tỉnh có gần 1,5 ngàn cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ. Trong đó, hơn 900 cơ sở là các DN và 500 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Hiện chỉ có hơn 100 DN có nhà máy đặt trong các khu, cụm công nghiệp nhưng chủ yếu DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số còn lại là các cơ sở, DN Việt có quy mô nhỏ, chủ yếu làm gia công cho đối tác xuất khẩu, nhiều yếu tố đảm bảo sản xuất lớn chưa có.
Tương tự, ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo cũng có tiềm năng bậc nhất trong cung ứng sản phẩm cho chuỗi liên kết.
Ông Lê Xuân Thời, Giám đốc Công ty TNHH Astek (TP.Biên Hòa), chuyên lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tự động hóa cho rằng, điểm yếu lớn nhất của DN Việt trên địa bàn tỉnh là hầu hết đang ở quy mô nhỏ và vừa. Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, DN phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố sản xuất đầu vào và phải nhập khẩu. Những khó khăn trong thời gian Trung Quốc siết chặt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy điều đó. Muốn hạn chế sự phụ thuộc thì cần phát triển bền vững, tức là phải tự chủ được sản xuất.
Đây cũng là điều mà các ngành khác như: sản xuất lương thực, thực phẩm, may mặc, giày da đang gặp phải... Thời gian gần đây, nhiều DN nỗ lực tìm kiếm nguồn cung trong nước nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
* Yếu về khâu thiết kế, chế tạo
Theo đánh giá của Bộ Công thương, khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp.
Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh nội lực yếu thì nguồn nhân lực của DN chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Trong thời gian dài, sự phát triển trở nên mất cân đối khi phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Muốn phát triển phải xây dựng nội lực và sự tự chủ của các DN trong nước.
Cùng quan điểm, theo Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện, một trong những hạn chế lớn nhất của các DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai hiện nay là chưa có tầm nhìn dài hạn, đang phải chạy theo thị trường trước mắt. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất, chế tạo vẫn còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Có những đơn vị khi thẩm định được đánh giá khá cao nhưng do thiếu hệ sinh thái cung ứng nên chỉ xuất khẩu một vài container nhỏ lẻ, chưa có tính bền vững, ổn định cao.
Về phía các DN, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng họ chưa được thụ hưởng nhiều. Ngay cả các thông tin về chính sách không ít đơn vị còn mù mờ. Hiện tại, trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Đồng Nai mới chỉ vài đơn vị nhỏ lẻ tham gia trực tiếp được với chuỗi cung ứng toàn cầu do ngành Công thương thực hiện.
Chủ một DN đang làm hồ sơ để được chứng nhận là DN công nghiệp hỗ trợ cho hay, điều mong mỏi của DN là Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng, làm tốt hơn vai trò cầu nối để DN Việt có thể tương tác, tìm hiểu nhu cầu và hợp tác với các đơn vị, đối tác thế giới. Một vấn đề nữa phải hỗ trợ tốt hơn về mặt bằng sản xuất, không thể làm lớn nếu không có quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Ngô Thanh Bình cho hay, DN đã cung ứng được một số mặt hàng máy móc tự động mang thương hiệu Việt cho các tập đoàn thế giới đang có nhà máy tại Việt Nam, nhưng việc mở rộng sản xuất đang là bài toán khó.
Nhiều năm qua, ông đã cố công tìm kiếm mặt bằng sản xuất phù hợp mà vẫn chưa thể. Trong khi đó, việc thuê đất diện tích lớn tại các khu công nghiệp với giá thuê cao, diện tích lớn là điều rất khó khăn đối với các DN khởi nghiệp.
Văn Gia