Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội tăng xuất khẩu viên nén gỗ

07:10, 20/10/2022

Nhu cầu tăng cao, giá trị viên nén gỗ trên thị trường thế giới đang được đẩy lên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng này tăng doanh số xuất khẩu.

Nhu cầu tăng cao, giá trị viên nén gỗ trên thị trường thế giới đang được đẩy lên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng này tăng doanh số xuất khẩu.

Gỗ dăm là nguồn nguyên liệu cho sản xuất viên nén. Trong ảnh: Làm dăm gỗ tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Long Khánh. Ảnh: V.Thế
Gỗ dăm là nguồn nguyên liệu cho sản xuất viên nén. Trong ảnh: Làm dăm gỗ tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Long Khánh. Ảnh: V.Thế

Đồng Nai là một trong 2 địa phương sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ lâm sản lớn nhất cả nước, nguồn nguyên phụ liệu phế phẩm khá dồi dào để các DN sản xuất viên nén tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu.

* Có thể trở thành mặt hàng tỷ đô

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu viên nén gỗ đã đạt gần 2,4 triệu tấn, kim ngạch 354 triệu USD. Với các điều kiện thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ sinh khối trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD. Tương lai gần, viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

Sản lượng và giá trị viên nén xuất khẩu tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do nhu cầu sử dụng viên nén tại các nước EU tăng đột biến. Nguyên nhân do các nước EU quay lưng với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra trước đó được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sưởi ấm. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản (nhất là Nhật Bản), nơi chiếm hơn 90% lượng xuất khẩu truyền thống mặt hàng viên nén gỗ của Việt Nam đang gia tăng nhanh.

Trên bình diện thế giới, các chuyên gia dự báo nhu cầu viên nén sinh khối khoảng 12-15 triệu tấn/năm và đến năm 2030 khoảng 50 triệu tấn. Thế giới chuyển dần sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch như than, dầu.

Báo cáo nghiên cứu sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách vừa được Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) công bố cho thấy, viên nén là sản phẩm mới xuất hiện chưa tới 10 năm nhưng tăng trưởng trị giá xuất khẩu rất nhanh. Năm 2018, xuất khẩu viên nén tăng 67% về khối lượng và tăng 120% về trị giá so với năm trước đó, đánh dấu trị giá xuất khẩu hơn 362 triệu USD. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu viên nén đạt 413 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu viên nén đạt 354 triệu USD, bằng hơn 85% kim ngạch của năm 2021.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho rằng, nhu cầu về mặt hàng viên nén gỗ trên thế giới đang tăng, đặc biệt là tại thị trường EU. Ngành viên nén gỗ của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn mở rộng sản xuất và xuất khẩu.

Nhận định tương tự, ông Phạm Văn Sinh, đại diện Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho hay, trong bối cảnh các mặt hàng đồ gỗ nội thất đang gặp khó khăn vì nhu cầu sụt giảm thì viên nén gỗ là cơ hội để gia tăng doanh số xuất khẩu. Đồng Nai là một trong 2 địa phương có giá trị xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất cả nước, lại có vùng phân phối, làng nghề nguyên liệu, sản xuất lớn sẽ giúp DN tiếp cận nhanh với phế phẩm của sản xuất gỗ như: mùn cưa, dăm bào, gỗ vụn... sản xuất viên nén.

* Phải định hướng phát triển bền vững

Mặc dù đánh giá cơ hội lớn cho các DN, song theo ông Tô Xuân Phúc, vẫn còn một số yếu tố có tác động trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Cụ thể, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào có vai trò quan trọng nhất với sự lớn mạnh của ngành. Nguồn nguyên liệu hiện tại chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ. Tuy nhiên, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào để làm viên nén đang phải cạnh tranh khốc liệt với nguyên liệu của ngành dăm.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu thụ viên nén tại các thị trường lớn trên thế giới cho thấy, các thị trường này đòi hỏi nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững. Do vậy, DN cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và chuẩn bị đáp ứng các đòi hỏi này của thị trường trong tương lai, không chỉ ngắn hạn mà cả trung và dài hạn. Bởi thời điểm hiện nay, xung đột Nga - Ukraine khiến nhu cầu viên nén gỗ tăng lên, nhưng khi xung đột này được giải quyết, giá dầu ổn định, các nước bỏ cấm vận, nhu cầu viên nén gỗ chắc chắn sẽ có những tác động. Với các thị trường có tiêu chuẩn cao, nếu DN đáp ứng được các chứng nhận hợp pháp sẽ là điều kiện để hưởng lợi.

Phát triển bền vững về nguyên liệu rừng là một trong những vấn đề mà Đồng Nai đang tích cực thực hiện. Để làm được điều này cần sự chung sức của các DN sản xuất và các đơn vị trồng rừng dưới vai trò cầu nối của các chính quyền địa phương.

Với Đồng Nai, hiện tỉnh đang thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu của đề án là phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Đây tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và cũng là điều kiện thuận lợi cho các DN ngành gỗ nói riêng, trong đó có các DN làm viên nén gỗ xuất khẩu có được nguồn nguyên liệu hợp pháp, đảm bảo các tiêu chí ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu.

Văn Gia

Tin xem nhiều
giá gỗ công nghiệp mdf Đơn vị phân phối sàn vinyl Mua Trống trường học giá rẻCó nên mua máy khoan cnc