Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá xăng giảm mạnh, giá hàng hóa vẫn 'neo'

07:09, 19/09/2022

Trong hơn 2 tháng qua, giá xăng liên tục giảm và đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu hầu như chưa có động tĩnh điều chỉnh giá…

Trong hơn 2 tháng qua, giá xăng liên tục giảm và đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu hầu như chưa có động tĩnh điều chỉnh giá…

Người tiêu dùng chọn mua các loại thủy, hải sản tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Hà
Người tiêu dùng chọn mua các loại thủy, hải sản tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Hà

* Hàng hóa tăng rồi, khó giảm?

Theo ghi nhận tại nhiều chợ hạng I, hạng II tại TP.Biên Hòa, trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm gần như vẫn “neo” ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm sau khi giá các loại nhiên liệu, nhất là giá xăng giảm liên tục.

Nhiều tiểu thương cho biết, do thời tiết mưa gió thất thường, sức mua yếu trong khi giá nhập hàng còn cao nên giá nhiều loại thực phẩm, hàng tiêu dùng nhìn chung giảm chậm hoặc vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí nhiều mặt hàng rau, củ, quả, thủy, hải sản… còn tăng giá vì nguồn cung ứng biến động.

Chị Nguyễn Thị Nết, chủ một sạp kinh doanh các loại rau, củ, quả ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, giá nhiều loại rau xanh, nhất là các loại rau cải, cà chua, bí xanh, mướp đắng… tăng khoảng 3-10 ngàn đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết mưa nhiều. Giá các loại bầu, bí xanh hiện vào khoảng 25 ngàn đồng/kg, cà chua 35-40 ngàn đồng/kg, mướp đắng 25-30 ngàn đồng/kg, các loại rau cải 15-25 ngàn đồng/kg…

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sáng, tiểu thương kinh doanh tạp hóa ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết hiện nay, giá nhiều loại thực phẩm khô, mì gói, gia vị như đường, bột ngọt, tương ớt… vẫn giữ giá vì giá nhập hàng chưa “hạ nhiệt”, thậm chí một số mặt hàng còn tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Theo nhiều nhà cung cấp thì nguyên nhân giá các mặt hàng này chưa thể giảm ngay vì còn nhiều tác động bởi giá nguyên liệu đầu vào. 

Bên cạnh đó, theo nhiều tiểu thương, hiện nay, dù giá xăng giảm nhưng giá cước vận chuyển chưa thể hạ nhiệt, đặc biệt là trong bối cảnh giá các loại dầu lần đầu cao hơn giá xăng bán lẻ. Giá nguyên, vật liệu đầu vào vẫn còn ở mức cao trong khi sức mua bị sụt giảm, điều này khiến cho giá bán lẻ nhiều loại mặt hàng, dịch vụ vẫn giữ giá cũ.

Chị Như Hoa, chủ một sạp thủy, hải sản ở chợ Hóa An cho biết dù giá xăng dầu đã giảm nhưng giá các loại hải sản từ đầu mối vẫn “neo” giá cũ. Điều này kéo theo giá bán lẻ tại chợ vẫn chưa thể hạ nhiệt. Thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Đơn cử, các loại mực hiện vào khoảng 230-250 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 10-12 ngàn đồng/kg; cá basa phi lê khoảng 70 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 12-15 ngàn đồng/kg; bạch tuộc 180-200 ngàn đồng/kg tăng khoảng 10 ngàn đồng/kg so với hơn 1 tháng trước đây. Ngoài ra, nhiều loại cá chim, cá bớp, cá ngừ, cá thu… vẫn đang giữ ở mức cao.

* Tác động từ các loại chi phí trung gian

Trước những diễn biến của thị trường, đa phần người tiêu dùng đều “ngóng” giá các loại hàng hóa, dịch vụ giảm theo giá xăng, nhất là giá cước vận chuyển, giao hàng, giá các loại thực phẩm…

Bà Thảo Ngọc (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng đã tạo cơn bão giá khiến các mặt hàng, chi phí khác đều tăng theo. Tuy nhiên, đã nhiều kỳ liên tiếp giá xăng giảm nhưng giá nhiều loại thực phẩm, dịch vụ ăn uống vẫn không chịu "hạ nhiệt".

"Xăng dầu tăng thì chi phí vận chuyển đội lên cao là điều dễ hiểu. Do đó, không chỉ các bà nội trợ mà ai ai cũng mong giá xăng dầu giảm đề góp phần bình ổn thị trường, giảm nhẹ gánh nặng chi tiêu giúp cuộc sống "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, hiện giờ dù giá xăng đã giảm sâu nhưng khi tôi đi chợ, siêu thị hằng ngày thì nhận thấy các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn giữ nguyên như trước, thậm chí một số mặt hàng còn có xu hướng biến động giá, tăng cao hơn" - bà Ngọc chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia, phạm trù “giá” rất rộng nên ngoài những biện pháp kinh tế và kỹ thuật, để có phương án giảm giá phù hợp thì cần có thêm các giải pháp tổng hợp khác như: giải quyết vấn đề cung - cầu hàng hóa, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là giảm các khâu trung gian…

Đại diện một số siêu thị, đơn vị cung ứng trên địa bàn tỉnh cho biết, nhiều loại thực phẩm đóng gói, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hóa mỹ phẩm… đã có xu hướng giảm, nhưng mức giảm chưa sâu. Để giá các mặt hàng giảm nhiều hơn còn phụ thuộc vào lộ trình giảm các loại chi phí về vận chuyển, nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất, nhân công…

Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh) Nguyễn Quang Thọ chia sẻ, công suất giết mổ tại lò mổ heo của công ty bị tác động nhiều, giảm khoảng 50% do sức tiêu thụ giảm trong thời gian qua. Trong khi đó, chi phí vận hành lại vẫn ở mức cao do các chi phí về vận tải, vận chuyển, chi phí vận hành khác… vẫn chưa giảm hoặc chỉ giảm “nhỏ giọt” dù giá xăng đã giảm mạnh. Điều này khiến cho công ty hiện nay chủ yếu tập trung nguồn hàng cung ứng cho khu vực Đồng Nai và TP.HCM, trong khi đó các thị trường khác như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì công ty đã tạm ngưng cung ứng khoảng vài tháng nay do chi phí vận tải phát sinh tăng cao, lợi nhuận giảm, thậm chí còn phải bù lỗ…

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16-9-2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời, chú trọng công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng, dầu để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Chủ động cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân…

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với tăng cường quản lý thị trường; phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, chú trọng thúc đẩy và kiểm soát tốt thương mại điện tử; tăng cường phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế…

Hải Hà

Tin xem nhiều