Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nông dân có đời sống thịnh vượng

07:09, 23/09/2022

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai, quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai, quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Trang trại trồng rau, cây ăn trái trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Bình Nguyên
Trang trại trồng rau, cây ăn trái trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Bình Nguyên

Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đồng Nai.

* Nông dân làm chủ

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới.

Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng NTM, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng.

Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu được đặt ra trong Nghị quyết số 19.

Cụ thể, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng NTM.

Ngoài ra, đời sống nông dân và cư dân nông thôn được chăm lo toàn diện như: nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển, dịch vụ cơ bản nông thôn; ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh…

* Đời sống nông dân là thước đo sự phát triển

Nghị quyết số 19 cũng đặt ra mục tiêu cao như: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.

Thu hoạch bưởi tại xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên
Thu hoạch bưởi tại xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên

Đồng Nai đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước, nhất là không ngừng chăm lo, nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. So sánh về một trong những tiêu chí quan trọng là thu nhập của người dân nông thôn thì Đồng Nai cũng đạt mức cao. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của cả nước năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm. Mục tiêu phấn đấu là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của cả nước năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020, tương đương đạt từ 62,5 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, ngay từ năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Đồng Nai đã đạt 61,75 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, có nhiều xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh đạt trên 68 triệu đồng/người vào năm 2020. Năm 2021, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao từ 70 triệu đồng/người/năm trở lên.

Trong chuyến thăm và làm việc với xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, phải đặt mục tiêu thu nhập bình quân của người dân cao hơn nhiều so với mức hiện nay. Trong đó, phải nhìn vào mức sống của người dân nghèo làm chuẩn đo mức phát triển của địa phương. Phải luôn nỗ lực và nỗ lực hơn nữa để nông dân có đời sống thịnh vượng. Tuy tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Nai đã giảm mạnh, nhiều địa phương đã hết hộ nghèo nhưng vẫn phải tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ những hộ còn khó khăn để họ có cuộc sống sung túc hơn.

Trước khi có Nghị quyết 19, Đồng Nai đã triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu về xã hội, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm và tăng lên 108 triệu đồng/người vào năm 2030.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều