Hiện nay, nhiều dự án trên địa bàn Đồng Nai đang bị "nghẽn" do thiếu đơn giá cây trồng trên đất bị thu hồi. Do đó, các địa phương buộc phải tạm dừng để chờ UBND tỉnh ban hành định giá mới về cây trồng; vướng mắc trên không tháo gỡ nhanh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Hiện nay, nhiều dự án trên địa bàn Đồng Nai đang bị “nghẽn” do thiếu đơn giá cây trồng trên đất bị thu hồi. Do đó, các địa phương buộc phải tạm dừng để chờ UBND tỉnh ban hành định giá mới về cây trồng; vướng mắc trên không tháo gỡ nhanh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Huyện Vĩnh Cửu đang gặp khó khăn trong việc thiếu đơn giá để bồi thường cây trồng cho các công trình, dự án. Ảnh: K.Minh |
Năm 2022, Đồng Nai có hơn 400 dự án nằm trong danh mục thu hồi đất để triển khai thực hiện. Trong đó, có dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách. Các dự án đa số phải thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và trên đất thu hồi thường có cây trồng.
* Đợi đơn giá cây trồng
Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Đồng Nai quy định chi tiết giá bồi thường cho các loại cây trồng đã không còn hiệu lực. Vì thế, nhiều dự án đang trong quá trình định giá các loại cây trồng để bồi thường và thu hồi đất đã phải tạm dừng, chờ đợi quyết định mới được ban hành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án đang gấp rút thực hiện cho kịp tiến độ giải ngân và thời gian hoàn thành công trình đề đưa vào sử dụng.
Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Trần Dương Hùng cho hay: “Một số dự án trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn bồi thường bị ách lại vì chưa xác định được giá cây trồng trên diện tích đất phải thu hồi. Hiện các dự án phải tạm dừng để đợi tỉnh ban hành quy định mới về giá các loại cây trồng trên đất nằm trong quy hoạch dự án. Do đó, huyện mong tỉnh sớm ban hành giá cây trồng để địa phương tiếp tục triển khai nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư dự án”.
Tương tự, những địa phương khác trong tỉnh có dự án phải thu hồi đất nông nghiệp cũng đang vướng vào tình trạng trên và đang chờ tháo gỡ.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Hoàng Sơn chia sẻ: “H.Long Thành có những dự án quan trọng như: tái định cư, giao thông và một số công trình công cộng khác phải thu hồi đất của cá hộ gia đình, cá nhân, đơn vị. Trên đất có cây cao su cần bồi thường nhưng vì chưa có đơn giá để thanh lý cây trồng dẫn đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án bị chậm lại”.
* Sẽ sớm ban hành
Từ cuối năm 2021, tỉnh tiến hành điều chỉnh Quyết định 11 cho phù hợp với các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành. Đến nay quy định trên đã hoàn thành các khâu lấy ý kiến và đến bước cuối là Sở Tư pháp rà soát lại rồi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Văn Thư cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án bị vướng ở khâu bồi thường do thiếu đơn giá cây trồng. Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thiện đơn giá cây trồng và tổ chức lấy ý kiến cơ bản đã thống nhất. Hiện chỉ còn đợi Sở Tư pháp xem xét lại và điều chỉnh cho thống nhất với các quy định của Nhà nước sẽ trình UBND tỉnh thông qua để triển khai. Quy định trên không phải thông qua HĐND tỉnh nên sẽ sớm được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang trong quá trình thực hiện”.
Ngoài các dự án đầu tư công, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm dự án của các doanh nghiệp đang thực hiện phải thu hồi đất của người dân. Diện tích đất bị thu hồi phần lớn là đất nông nghiệp và trên đất hầu hết có các loại cây trồng. Theo các chủ đầu tư, dự án bị ách lại ở khâu bồi thường sẽ làm chậm tiến độ và kéo theo hàng loạt khó khăn khác cho doanh nghiệp như: chi phí bồi thường đất đai, giá vật liệu xây dựng, giá nhân công và những chi phí khác năm sau sẽ tăng lên. Dự án bị đội thêm vốn đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhiều chủ đầu tư dự án đang đợi từng ngày đơn giá bồi thường các loại cây trồng trên đất để tiếp tục thực hiện dự án.
Thực tế, không chỉ các chủ đầu tư dự án mong vướng mắc đơn giá cây trồng được tháo gỡ sớm mà các địa phương cũng đang chờ để sớm hoàn tất việc bồi thường cho các dự án để bàn giao đất cho chủ tư, nhà thầu thi công. Dự án triển khai nhanh, sớm đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế cho các địa phương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp sớm hoàn thiện đơn giá cây trồng trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác bồi thường. Như vậy sẽ đẩy nhanh được tiến độ các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Khánh Minh