Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Vẫn khó ở cả đầu vào, đầu ra

06:08, 10/08/2022

Để góp phần nâng cao giá trị nông sản, cải thiện sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây cũng được xem là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp.

Để góp phần nâng cao giá trị nông sản, cải thiện sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây cũng được xem là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ ba từ phải qua) tham quan mô hình nuôi bò sữa sạch tại H.Long Thành. Ảnh: Hoàng Lộc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ ba từ phải qua) tham quan mô hình nuôi bò sữa sạch tại H.Long Thành. Ảnh: Hoàng Lộc

Sau hơn 2 năm, việc triển khai mô hình này còn nhiều khó khăn cả yếu tố đầu vào gồm: đất, nước, không khí, cây/con giống, phân bón, thức ăn, thuốc phòng trừ sâu bệnh lẫn đầu ra là thủ tục, quy trình kiểm định, chứng nhận sản phẩm hữu cơ...

* Khó từ đầu vào

Là người đam mê nông nghiệp, năm 2018, anh Trần Công Minh (ngụ tỉnh Bình Dương) mua 14ha đất ở H.Vĩnh Cửu trồng sầu riêng. Quá trình cải tạo đất, trồng cây, chăm sóc. anh tuân theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Mỹ; đất, nước được kiểm định đầu vào, phân bón và thuốc trừ sâu là sản phẩm dành riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thế nhưng, 3 năm sau, anh Minh phải trở về quy trình chăm sóc sầu riêng thông thường.

“Những năm đầu, tôi thực hiện tiêu chí “5 không”: không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng. Được 3 năm thì tôi “đuối” vì chi phí lớn quá. Phân, thuốc đắt đỏ và mỗi lần mua phải lên TP.HCM chở về” - anh Minh nói.

Anh Minh chia sẻ thêm, vùng ven sông Đồng Nai sở hữu nguồn đất sạch, nước sạch, không khí trong lành, rất phù hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ với điều kiện có vốn lớn, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ phổ biến, các vườn xung quanh cũng đi theo mô hình này.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) cho rằng, để xuất khẩu được trái chuối tươi vào thị trường Nhật Bản, mỗi vụ ông đều phải đưa mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón đi kiểm tra ở Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) và gửi kết quả cho đối tác xác nhận. Trước thu hoạch 1 tuần phải làm kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên thêm một lần nữa.

“Làm nông nghiệp sạch không dễ tí nào. Đất, nước, không khí phải đạt tiêu chuẩn; phân bón, thuốc trừ sâu bệnh phải sử dụng đúng loại, đúng liều lượng chứ không làm theo kinh nghiệm, phỏng đoán được. Nông dân phải tự làm đủ các xét nghiệm, kiểm định cho từng vụ” - ông Hùng chia sẻ.

Anh Mai Thế Hiển là hộ sản xuất dưa lưới sạch ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong thực hành sản xuất hữu cơ là nguồn vốn. Hiện nay, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân nhưng mức vay thấp, chỉ 50 triệu đồng/hộ/dự án. “Làm nông nghiệp sạch chi phí cải tạo đất, phân bón, nhà lưới rất nhiều. Thường phải mất 5-7 năm mới thu hồi được vốn. Tôi kiến nghị tăng mức cho cho vay lên 50-70% giá trị đầu tư, tăng thời hạn trả nợ để nông dân yên tâm đầu tư” - anh Hiển chia sẻ.

* Khó cả đầu ra

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn để cải thiện năng suất, chất lượng, từ đó cải thiện thu nhập, nhưng thực tế, người sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Đó là vùng quy hoạch chưa có, đất đai, nguồn nước chưa đảm bảo, nguồn cung phân bón, thức ăn, thuốc trừ sâu bệnh chưa phổ biến. Bên cạnh đó, thủ tục, quy trình làm chứng nhận, cấp và dán nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng là câu chuyện dài.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (H.Cẩm Mỹ), sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp khó khăn đầu vào lẫn đầu ra. Đó là nguồn phân bón và thuốc theo tiêu chuẩn hữu cơ ít và giá rất cao. Người nông dân có thể tự ủ phân bón, thuốc trừ sâu từ các chế phẩm, nguyên liệu thiên nhiên nhưng ở quy mô sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, chi phí làm kiểm định, cấp chứng nhận và dán nhãn sản phẩm hữu cơ cao nhưng chỉ có giá trị trong thời gian ngắn.

Ông Hà Văn Phẩm, chủ trang trại heo xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho rằng, hiện chỉ có trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty lớn mới theo được mô hình VietGAP, sinh học vì chi phí đầu tư rất lớn mà giá heo bán chưa tương xứng. Theo ông Phẩm, các hộ chăn nuôi gia công được công ty kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường, phòng dịch, nếu chưa đạt họ hỗ trợ. Công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh và thu mua sản phẩm đưa về lò mổ của công ty. Trang trại chăn nuôi tự do không thể mua con giống của công ty này và mua thức ăn của công ty khác.

Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (H.Trảng Bom) Vũ Mạnh Hà cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp phải các rào cản: tư duy thâm canh, tăng năng suất của người nông dân. Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa sẵn sàng, chưa có quy trình cụ thể nên mỗi người làm một kiểu. “Sức khỏe” của đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau thời gian dài sử dụng phân bón, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu hóa học. Việc chứng minh cho người tiêu dùng biết và tin đó là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng khó khăn.

“Nông dân làm nông nghiệp hữu cơ đã khó, xây dựng hình ảnh, logo nhãn hiệu, mẫu mã bao bì cho sản phẩm hữu cơ còn khó hơn. Đây là việc hoàn toàn mới với nông dân” - ông Hà chia sẻ.

Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 500ha cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ, 630ha cây công nghiệp và 200ha rau đạt chứng nhận hữu cơ. Xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực, trong đó đàn heo hữu cơ đạt khoảng 5 ngàn con, đàn gia cầm đạt khoảng 200 ngàn con và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 200ha… Đến năm 2030, diện tích, sản lượng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ tăng 1,5-2,5 lần.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều