Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh du lịch tự phát xung quanh hồ Trị An khá sôi động. Hoạt động này nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản vùng bán ngập.
Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh du lịch tự phát xung quanh hồ Trị An khá sôi động. Hoạt động này nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản vùng bán ngập.
Điểm du lịch tự phát tại vùng đất bán ngập hồ Trị An thuộc xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu |
Ngoài ra, có thể gây ảnh hưởng hiệu quả của đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mà Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) giai đoạn 2021-2030 đang hoàn thiện.
* Nở rộ dịch vụ cắm trại, chèo thuyền
Mấy năm gần đây, khi đến các xã: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), không khó bắt gặp hình ảnh hàng chục lều bạt được dựng lên ở ven hồ, vùng đất bán ngập hồ Trị An. Nhiều khu vực còn có các công trình kiên cố bằng bê tông, sắt thép. Các dịch vụ du lịch như: thuê địa điểm cắm trại, chèo SUP (chèo ván đứng), đạp xe đường rừng, câu cá… được quảng cáo rầm rộ.
Anh Nguyễn Chí Bảo, chủ điểm cắm trại Chí Bảo Trips (xã Mã Đà) cho biết khu vực này có diện tích hơn 10 ngàn m2, giáp mặt hồ, có nhà vệ sinh, nhà tắm kiên cố. Dịch vụ của khu bao gồm: ăn uống, ngủ lều, chèo SUP, đốt lửa trại với chi phí khoảng 900 ngàn đồng/người/ngày đêm. Theo anh Bảo, để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, anh tuyên truyền và vận động du khách giữ gìn vệ sinh chung, hỗ trợ thu dọn rác thải khi kết thúc hành trình.
Tại điểm cắm trại Homestay hồ Trị An (xã Mã Đà) có hơn 10 lều, các lều được dựng gần mép hồ, bên ngoài có bếp nấu ăn và nhà vệ sinh dùng chung.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, giữ được môi trường, quản lý được du lịch tự phát mới triển khai hiệu quả đề án du lịch tổng thể. |
Anh Trần Nam, quản lý điểm cắm trại này cho biết có nhiều lựa chọn cho du khách, có thể mang theo bếp, nhiên liệu, thực phẩm tự nấu ăn hoặc trọn gói. Cũng như các điểm du lịch khác, ở đây có chèo thuyền, đốt lửa trại, đạp xe trong rừng. Về vấn đề vệ sinh môi trường, điểm chịu trách nhiệm thu dọn rác thải, đăng ký dịch vụ thu gom rác tập trung.
Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà Phạm Văn Nam cho biết, vừa qua xã đã phối hợp với Khu Bảo tồn tổ chức kiểm tra điều kiện kinh doanh, xây dựng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại 16 điểm đang kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Qua kiểm tra cả 16 điểm khai thác diện tích mặt nước hồ, khu vực bán ngập và lòng hồ Trị An đều không có giấy phép hoạt động; 16 điểm chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 6/16 điểm có triển khai công tác thu gom, phân loại rác thải và nộp phí môi trường. Xã đã áp dụng biện pháp phạt là đình chỉ hoạt động đối với các dịch vụ kinh doanh không và chưa có giấy phép.
Tương tự, xã Hiếu Liêm cũng tổ chức kiểm tra, xử lý 7 trường hợp lấn chiếm đất vùng đất bán ngập hồ Trị An để xây dựng, kinh doanh dịch vụ trái phép.
Môi trường tự nhiên là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, ngược lại, phát triển du lịch phải phục vụ lại cho phát triển môi trường tự nhiên. Nói cách khác, tận dụng tài nguyên rừng, hồ để khai thác kinh tế xanh là điều nên làm nhưng đừng để phải đóng cửa du lịch, hạn chế du khách vì môi trường, thủy sản suy giảm.
* Du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên
Theo Khu Bảo tồn, thời gian gần đây, tại các xã ven hồ Trị An phát sinh nhiều điểm du lịch tự phát. Việc làm này về lâu dài sẽ tác động xấu đến cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học và an toàn cho du khách. Khu Bảo tồn đã kiến nghị UBND các xã, cơ quan, ban, ngành của các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom hỗ trợ bảo vệ rừng, vùng đất bán ngập bằng việc tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, xây dựng công trình, bảo vệ môi trường và lấn chiếm đất để kinh doanh dịch vụ của người dân.
Cũng theo Khu Bảo tồn, hiện nay đơn vị đang hoàn thiện đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030, do đó việc giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh dịch vụ tự phát còn là cơ sở để đề án phát triển du lịch theo quy hoạch được triển khai và phát huy hiệu quả.
Tại buổi làm việc với Khu Bảo tồn về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, dịch vụ cho thuê môi trường rừng ở Khu Bảo tồn đang được nhà đầu tư quan tâm như: dự án Khu nuôi thú bán hoang dã Safari, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Bà Hào, dự án Công viên thể thao hàng không Đồng Nai; tuyến du lịch kết nối hồ - đảo - rừng... Các dự án này chỉ được triển khai khi Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, các sở, ban, ngành hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho Khu Bảo tồn trong quản lý, bảo vệ rừng, hồ Trị An và hoàn thiện đề án du lịch.
Khu Bảo tồn cần xây dựng quy chế và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ và xử lý các vướng mắc phát sinh như: du lịch tự phát, xây dựng trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.
Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu NGUYỄN THỊ DUNG cho biết, hiện nay Khu Bảo tồn chưa hoàn thiện và triển khai đề án du lịch sinh thái nên các hoạt động du lịch ở khu vực xung quanh hồ Trị An chủ yếu do người dân, tư nhân tự mở. Vùng đất bán ngập và ven hồ Trị An do 2 đơn vị là Nhà máy Thủy điện Trị An và Khu Bảo tồn quản lý, các ngành chức năng của huyện và UBND các xã phối hợp với 2 đơn vị này kiểm tra việc tuân thủ các quy định về môi trường, xây dựng và xử lý các trường hợp vi phạm. Cũng theo bà Dung, hiện trên địa bàn các xã có một số mô hình du lịch thực hiện rất tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Mới đây, huyện cùng với Sở VH-TTDL khảo sát các điểm, mô hình này để kết nối với các điểm du lịch cộng đồng của tỉnh. |
Ban Mai