Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều chính sách vẫn chưa 'sát sườn' doanh nghiệp

07:06, 09/06/2022

Tháng 6-2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được thông qua và áp dụng với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp cho cộng đồng DN phát triển.

Tháng 6-2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được thông qua và áp dụng với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp cho cộng đồng DN phát triển.

Sản xuất tại một doanh nghiệp khởi nghiệp ngành cơ khí tự động hóa ở P.Trảng Dài. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại một doanh nghiệp khởi nghiệp ngành cơ khí tự động hóa ở P.Trảng Dài. Ảnh: V.Gia

Nhưng đến nay, sau 5 năm thực hiện, nhiều điểm nghẽn vẫn còn hiện hữu đối với các DN như: việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai, khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ…

* DN vẫn thiếu thông tin

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực DN nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Dù đã triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được 5 năm song qua khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI vừa được công bố, có khoảng 51,3% DN trả lời khảo sát không biết đến Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trong số các DN biết đến luật này, chỉ 36,8% DN đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.

“Chúng tôi không có đủ kinh phí để di dời nhà máy vào khu công nghiệp, bởi các quy định và tiêu chí khắt khe. Nhà xưởng sản xuất bấy lâu nay đi thuê hoặc DN xoay xở mua được mặt bằng, nhưng cũng rất nhỏ hẹp. Trong thời buổi hiện nay, dù chúng tôi có đủ năng lực về kỹ thuật nhưng mặt bằng cho sản xuất vẫn là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của các DN nhỏ” - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) NGÔ THANH BÌNH trăn trở.

Cũng chính từ việc thiếu thông tin, mức độ khó khăn khi tuân thủ các thủ tục để hưởng trợ cấp có thể cao hơn thực tế. Điều này cho thấy trong công tác thông tin, triển khai chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, cần đưa ra các điều chỉnh phù hợp trong triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nhất là trong bối cảnh cộng đồng DN đang cần thêm những sự hỗ trợ kịp thời để phục hồi sau hơn 2 năm chống chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tại Đồng Nai, đến nay đã có khoảng 40 ngàn DN đăng ký thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Là một trong những địa phương có số lượng DN lớn nên việc quan tâm, hỗ trợ là rất quan trọng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN trong giải quyết các thủ tục hành chính, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ DN.

Mặc dù vậy, các DN trên địa bàn vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cơ hội phát triển, tiềm năng là rất lớn, song hầu hết các DN còn thiếu nhiều yếu tố để “lớn lên”.

Ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), đam mê ngành công nghiệp hỗ trợ, tự động hóa. DN của ông thành lập cách nay đã 7 năm, song vẫn còn ở quy mô nhỏ. Vướng mắc lớn nhất hiện nay, ngoài vấn đề nguồn vốn thì mặt bằng sản xuất cũng là điều trăn trở bấy lâu. 5 năm qua, đã có vài lần ông Bình cùng cộng sự di chuyển xưởng sản xuất của mình từ TP.Biên Hòa đến H.Vĩnh Cửu, nhưng vì nhiều lý do, đến nay vẫn chưa ổn định sản xuất.

* Chính sách cần “sát sườn” hơn

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đưa ra 13 điều về chương trình hỗ trợ, trong đó có 8 chính sách hỗ trợ chung và 5 điều theo chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Đánh giá về kết quả thực hiện những chính sách hỗ trợ này, VCCI cho rằng, số lượng DN đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khá khiêm tốn. Tỷ lệ DN khảo sát cho biết đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình đều dưới 8%.

Theo đó, chương trình hỗ trợ có tỷ lệ tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, nhưng thực tế cũng chỉ có 7,34% DN đã tiếp cận. Còn chương trình có tỷ lệ thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp với khoảng 4,75% DN đã được thụ hưởng, do phần lớn DN nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.

Cùng với cả nước, cụ thể hóa những chính sách hỗ trợ nói trên, từ tháng 6-2021, UBND tỉnh đã ban hành đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Đồng Nai giai đoạn 2021-2025.

Với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 65,5 ngàn DN nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 265 ngàn lao động. Bên cạnh chính sách này, Đồng Nai đã có những chương trình được thực hiện từ trước, theo từng ngành, địa phương và DN cụ thể.

Là DN khởi nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vfarm (TP.Biên Hòa) Lê Thị Cẩm Vân cho hay, sản phẩm của đơn vị sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, góp phần tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Cũng như phần đông DN nhỏ và vừa khác, khó khăn từ vốn, máy móc, kỹ thuật sản xuất, thị trường là yếu tố mà DN luôn vướng phải trong quá trình phát triển. “Chúng tôi mong muốn các chính hỗ trợ sát sườn hơn, nhất là việc tiếp cận vốn vay cũng như giải pháp về xúc tiến thương mại, thị trường” - chị Vân kỳ vọng.

Để triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, Bộ KH-ĐT vừa ban hành Thông tư số 06 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 25-6 tới. Theo đó, nội dung hỗ trợ gồm: tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đối với các DN đổi mới sáng tạo sẽ có cơ hội được cử học viên tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài…

Văn Gia

Tin xem nhiều