Chiều 9-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tham gia báo cáo, làm rõ một số vấn đề liên quan.
Chiều 9-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tham gia báo cáo, làm rõ một số vấn đề liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh: quochoi.vn |
* Không để vốn dư, gây lãng phí
Trả lời câu hỏi về giải ngân vốn trong lĩnh vực giao thông - vận tải (GT-VT), tư duy nhiệm kỳ trong thực hiện các dự án giao thông của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP.Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi Bộ GT-VT đăng ký kế hoạch vốn, tất cả các danh mục, Bộ đều tổ chức họp, rà soát kỹ, không chỉ là chủ đầu tư đăng ký, mà các đơn vị, lãnh đạo bộ đều dựa trên tình hình thực tế để xem xét, xác định số vốn đăng ký. Nhìn chung, trong hai năm vừa qua, Bộ GT-VT đã giải ngân khoảng 95, 96% nguồn vốn. Còn phần nhỏ còn lại là do các yếu tố bất khả kháng như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết địa chất… Do đó, Bộ trưởng cho rằng, trong năm nay và những năm tiếp theo, khi trình với Quốc hội, Chính phủ và được bố trí vốn, Bộ sẽ chỉ đạo, điều hành chặt chẽ theo từng tháng để đáp ứng được nhu cầu không để vốn dư, gây lãng phí.
Đối với ý kiến một số đại biểu cho rằng các dự án lớn của ngành vẫn bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ ra rằng, thời gian qua, ngành GT-VT đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng và cả nước. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Điều hành chặt chẽ, hiệu quả không để vốn dư, gây lãng phí. Ảnh: quochoi.vn |
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án, yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm; yêu cầu các địa phương rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính; đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.
Liên quan đến tư duy nhiệm kỳ của ngành GT-VT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định ngành GT-VT là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng đột phá, nên ngành không có tư duy nhiệm kỳ. Tất cả các quốc lộ, các đường cao tốc đều có trong quy hoạch với tầm nhìn định hướng nhiều chục năm, đa số các dự án đăng ký đều có trong Nghị quyết của Đại hội Đảng và các Nghị quyết khác, tất cả những căn cứ này đã đảm bảo được tính khách quan minh bạch trong hoạt động của Bộ.
* Đầu tư PPP ở lĩnh vực giao thông rất khó
Liên quan đến việc thực hiện hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã đi vào cuộc sống rất tốt ở các lĩnh vực như xây dựng, điện lực. Tuy nhiên ở lĩnh vực giao thông, nhiều công trình có chi phí dự án lớn, mặt bằng yếu, xử lý cầu cống nhiều thì rất khó kêu gọi PPP. Những dự án kêu gọi thành công thì vốn của nhà nước đã chiếm hơn 50%-60%. “Đối với ngành giao thông có những dự án lớn lên tới 7 nghìn tỷ thì huy động PPP sẽ rất lớn, rất khó. Do đó, PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải cần nghiên cứu, rà soát để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Giải trình ý kiến tranh luận của đại biểu liên quan đến kết quả kiểm toán của các dự án BOT. Cụ thể, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016-2020 cho thấy, kiểm toán 83 dự án BOT và BT thì Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu đối với các dự án là 302 năm.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định 108, đấu thầu dự án là đấu thầu khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải thiết kế kỹ thuật được duyệt chứ không phải là dự toán được duyệt. Trong khi đó, dự án đầu tư có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và nhiều loại dự phòng khác.
Nghị định quy định hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc và ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có đưa một điều khoản sau khi dự án hoàn thành căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ GT-VT, nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án đã được triển khai. Do đó, có hai con số, con số kiểm toán đưa ra đúng, nhưng chưa đúng bản chất. Bởi đúng theo hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng ban đầu khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng.
Về con số thứ hai, Bộ trưởng cho biết, từng dự toán BOT sau khi hoàn thành rồi mới kiểm toán, quyết toán, Bộ GT-VT mới ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí. Hai số liệu chỉ khác nhau ở chỗ hợp đồng nguyên tắc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Bộ GT-VT không làm sai về vấn đề này. Bởi nếu ký hợp đồng sai là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
* Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam
Cũng trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn chiều 9-6, báo cáo một số nội dung liên quan đến tổng thể triển khai đường cao tốc trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 ba mươi, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3 ngàn km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5 ngàn km đường cao tốc.
Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã xác định tuyến đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 phải được hoàn thành, phải ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua kế hoạch và đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội bố trí cho đường cao tốc.
Về các danh mục triển khai đường cao tốc trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung vào các dự án lớn sau: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có chiều dài là 654 km; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có chiều dài 729 km. Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp này 5 tuyến cao tốc có chiều dài 549 km. Như vậy, tổng chiều dài toàn bộ các tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km, số km đường cao tốc đã hoàn thành tới thời điểm hiện nay là 1.290 km. Như vậy, tính cả các công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác và các công trình đang triển khai, chúng ta có 3.222 km cao tốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc Nam. Ảnh: quochoi.vn |
Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017, đã khởi công rải rác trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 1-2022 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù và sẽ khởi công vào năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài là 2.063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Các tuyến còn lại, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6-2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.
Đường Vành đai 3 - TP.Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6-2023, năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ sẽ quyết tâm cao để thực hiện bằng được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra, hoàn thành 3 ngàn km đường cao tốc đến năm 2025 và 5 ngàn km đường cao tốc đến năm 2030.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GT-VT, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như: tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm dự án phù hợp với các quy hoạch liên quan không gian phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tiến độ từ các bước khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán đến công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công, kiểm soát chất lượng đầu vào đến kiểm soát quy trình thi công, công tác thí nghiệm, nghiệm thu; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền có phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập, tồn tại trạm thu phí Dự án BOT nhanh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, Nhà nước, nhà đầu tư; tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, hoàn thiện quá trình vận hành, có biện pháp phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí tự động không dừng. |
Phạm Tùng