Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng quán gồng mình trong "bão giá"

07:06, 08/06/2022

Trong bối cảnh giá thực phẩm, nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển tăng cao đã khiến cho nhiều hàng quán, dịch vụ ăn uống ở TP.Biên Hòa cắt giảm nhân sự, lợi nhuận để "gồng gánh" duy trì hoạt động, giữ chân khách hàng.

Trong bối cảnh giá thực phẩm, nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển tăng cao đã khiến cho nhiều hàng quán, dịch vụ ăn uống ở TP.Biên Hòa cắt giảm nhân sự, lợi nhuận để “gồng gánh” duy trì hoạt động, giữ chân khách hàng.

Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải cắt giảm lợi nhuận để cân đối, giữ giá đầu ra trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay. Trong ảnh: Khách hàng đến ăn uống tại một quán ăn trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lam Phương
Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải cắt giảm lợi nhuận để cân đối, giữ giá đầu ra trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay. Trong ảnh: Khách hàng đến ăn uống tại một quán ăn trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lam Phương

Trước những tác động từ “bão giá”, nhiều cửa hàng, quán ăn đã phải tăng giá bán từ 10-30% nhằm bù đắp lại những chi phí phát sinh.

* “Bấm bụng” tăng giá bán

Tại TP.Biên Hòa, nhiều địa điểm, cửa hàng kinh doanh ăn uống đã buộc phải tăng giá bán trước tình hình vật giá “leo thang” trong thời gian qua. Hầu hết giá các mặt hàng ăn uống đều tăng thêm từ 2-8 ngàn đồng so với hồi đầu tháng 1-2022.

Đối với nhiều cửa hàng, quán ăn, bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, lợi nhuận khi kinh doanh trực tiếp, các hình thức đặt hàng online, kết nối với các ứng dụng đặt, giao hàng trực tuyến… cũng được đẩy mạnh theo hướng tiết kiệm, giảm tối đa các khâu, công đoạn trong quá trình vận hành.

Bà Kim Yến, chủ một quán bún bò trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Tiến) cho biết, bán hàng ăn sáng vốn thức khuya dậy sớm rất vất vả, lấy công làm lời. Vài tháng gần đây, giá nguyên, vật liệu tăng đột biến khiến giá vốn của sản phẩm tăng theo nên bà chỉ còn cách tăng giá bán mới mong có lời chút đỉnh.

“Hơn 1 tháng nay, tôi phải nâng giá 5 ngàn đồng/tô bún, dao động từ 30-45 ngàn đồng lên 35-50 ngàn đồng/tô tùy loại. Để khách hàng biết việc tăng giá, tôi đã dán thông báo rõ ràng trước cửa và trong menu, do xăng và mọi thứ đều tăng, mong khách hàng thông cảm” - bà Yến bộc bạch.

Tương tự, Quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Laha Cafe Nguyễn Ngọc Ngân cho hay, do giá các loại cà phê nguyên liệu đầu vào tăng gần gấp rưỡi nên từ đầu tháng 5-2022, chuỗi cửa hàng đã phải điều chỉnh giá bán của các loại cà phê tăng thêm 10% so với trước đây, trung bình tăng khoảng 2 ngàn đồng/ly để cân đối, bù đắp lại chi phí phát sinh khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Không chỉ tăng giá bán, một số cửa hàng, quán ăn còn tính đến phương án chuyển địa điểm kinh doanh về những nơi có giá mặt bằng thấp hơn để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá cả nguyên liệu tăng cao, trong khi giá mặt bằng vẫn không đổi.

Ông Hoàng Khởi, chủ một quán ăn gia đình ở P.Tân Vạn cho hay, trong tháng 5 vừa qua, ông đã chuyển quán từ P.Quyết Thắng - trung tâm thành phố ra khu vực ngoại ô Tân Vạn để tiết giảm phần nào chi phí mặt bằng, đồng thời cân chỉnh lại giá cả, nhân sự cho phù hợp với tình hình kinh doanh đầy biến động như hiện nay.

“Thực chất, tôi đã gồng gánh quán từ sau Tết đến nay nhằm giữ chân khách vì giá xăng dầu tăng, xung quanh các quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng hóa cũng tăng giá theo từ lâu. Tình hình hiện tại, nếu giữ nguyên giá sẽ phải giảm số lượng đồ ăn/món xuống để tránh lỗ vốn hoặc tìm nguồn thực phẩm giá rẻ, có nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, trong tình thế này, các hàng quán như chúng tôi buộc phải nhích giá lên từ 10% nhằm đảm bảo chất lượng cũng như kinh doanh có lãi chút đỉnh, nếu không sẽ rất khó” - ông Khởi chia sẻ.

* Buộc phải cắt giảm lợi nhuận

Khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải tiếp tục ở mức cao khiến cho nhiều mặt hàng như: dầu ăn, gia vị, thực phẩm khô… tăng giá mạnh từ 20-25%. Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm như: gạo, thủy hải sản, rau củ quả… cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Một cửa hàng trong chuỗi cà phê Laha ở TP.Biên Hòa cập nhật bảng giá mới từ đầu tháng 5-2022 đối với các loại cà phê do chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: Lam Phương
Một cửa hàng trong chuỗi cà phê Laha ở TP.Biên Hòa cập nhật bảng giá mới từ đầu tháng 5-2022 đối với các loại cà phê do chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: Lam Phương

Bà Thảo An (ngụ P.Quang Vinh) bày tỏ, thời gian qua, giá xăng tăng liên tục nên các mặt hàng rau củ quả và nhu yếu phẩm đã tăng cao theo giá vận chuyển. Với tình hình hiện tại, không chỉ người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng mà các hộ buôn bán cũng gặp khó khăn vì sức mua ngày càng hạn chế.

Trong bối cảnh mặt bằng giá nguyên liệu đầu vào, cước vận tải tăng cao, sức mua bị chững lại, nhiều cửa hàng đang phải “căng mình” gồng gánh, cắt giảm lợi nhuận để có thể giữ giá đầu ra, thu hút khách hàng để từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Bảo Trung, quản lý một cửa hàng gà rán ở P.Thống Nhất chia sẻ, đây là giai đoạn hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp nhiều khó khăn khi mặt bằng giá tiêu dùng, các loại nguyên liệu, thực phẩm đầu vào tăng cao trong thời gian qua. Điều này đã buộc cửa hàng phải cắt giảm lợi nhuận từ 10-15% để đảm bảo không tăng giá bán, giữ chân khách hàng. Nếu mặt bằng giá nguyên liệu, thực phẩm tiếp tục tăng cao trong thời gian tới thì cửa hàng sẽ phải tính toán phương án hợp lý để cân đối các khoản chi tiêu, lợi nhuận…

Tương tự, ông Nguyễn Anh Vũ, Quản lý chuỗi quán ăn Nhà Đôi (TP.Biên Hòa) cho hay, do giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến chi phí đầu vào, giá nguyên liệu, rau củ quả, đặc biệt là các loại dầu ăn tăng cao trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, chuỗi cửa hàng vẫn đang chấp nhận giảm lợi nhuận từ 10-20%, cũng như tiết kiệm nhiều khoản chi phí, nhân sự để cố gắng giữ giá bán ổn định nhằm giữ chân khách hàng…

Chị NGUYỄN NGỌC NGÂN, Quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Laha Cafe (TP.Biên Hòa) cho hay:

“Tình hình thời tiết hiện nay thường xuyên có mưa lớn nên doanh số bán hàng đối với hình thức bán hàng trực tiếp tại quán, khách hàng đến mua mang về giảm khoảng 15%. Do đó, chuỗi cửa hàng đang đẩy mạnh các hình thức đặt hàng trực tuyến, trong đó tính toán đến phương án “gom” các đơn đặt hàng ở gần nhau, giảm số lần vận chuyển trong quá trình giao hàng để tiết kiệm phần nào chi phí vận chuyển khi giá xăng dầu, cước vận chuyển đang ở mức cao”.

Lam Phương

Tin xem nhiều