Đầu ra nông sản khó khăn khiến thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng lớn từ sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 lại đặt chỉ tiêu cao. Đây cũng là nội dung được Đoàn Văn phòng điều phối NTM Trung ương đặc biệt quan tâm khi về khảo sát kết quả nâng cao chất lượng xây dựng NTM tại Đồng Nai.
Đầu ra nông sản khó khăn khiến thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng lớn từ sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 lại đặt chỉ tiêu cao. Đây cũng là nội dung được Đoàn Văn phòng điều phối NTM Trung ương đặc biệt quan tâm khi về khảo sát kết quả nâng cao chất lượng xây dựng NTM tại Đồng Nai.
H.Nhơn Trạch phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Bình Nguyên |
Tuy khó khăn nhưng Đồng Nai vẫn đặt mục tiêu đạt và vượt về tiêu chí thu nhập so với mức bình quân chung của cả nước. Các địa phương trên địa bàn tỉnh nỗ lực tìm mọi giải pháp phát triển sản xuất trong tình hình mới với mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
* Đặt mục tiêu cao
Mục tiêu của cả nước đặt ra đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn ở các vùng đạt mức từ 36-50 triệu đồng/người/năm, vùng đặt ra mục tiêu cao là Đông Nam bộ cũng chỉ yêu cầu đạt bằng hoặc trên 59 triệu đồng/người/năm. So sánh thì thu nhập bình quân của người dân nông thôn ở các xã trên địa bàn Đồng Nai đã vượt hẳn so với mục tiêu Trung ương đề ra.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của xã Phú Đông (H.Nhơn Trạch) năm 2020 đạt 66,52 triệu đồng/người/năm, tăng 30,79 triệu đồng so với năm 2015, không còn hộ nghèo A theo chuẩn của tỉnh.
Ngay cả các xã thuần nông, xuất phát điểm có nhiều khó khăn trong xây dựng NTM như xã Phú Hòa (H.Định Quán), thu nhập bình quân đầu người đạt 66,16 triệu đồng/người vào năm 2020, gấp 1,8 lần so với năm 2016. Ấn tượng như xã thuần nông Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ) thu nhập bình quân đầu người đạt 69,96 triệu đồng/người vào năm 2020, tăng 33,26 triệu đồng so với năm 2015.
Theo phản ánh của các địa phương, dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chính khiến giá đa số các mặt hàng nông sản giảm sâu. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu mang lại doanh thu cao như: xoài, thanh long, chuối, bưởi, điều, tiêu… đều giảm cả chục, thậm chí hàng chục ngàn đồng/kg so với thời điểm các mặt hàng trên xuất khẩu tốt. Các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, đảm bảo và không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
* Tập trung phát triển sản xuất
Các địa phương của Đồng Nai đang tiếp tục tập trung phát triển sản xuất để đạt và vượt mục tiêu Trung ương đặt ra. Tiêu biểu, H.Xuân Lộc, địa phương thực hiện thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước, đang nỗ lực đạt và vượt về tiêu chí thu nhập. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 66,5 triệu đồng; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng.
Nhiều địa phương thu hút đầu tư chế biến để nông sản có đầu ra bền vững. Trong ảnh: Chế biến trái cây tươi tại một cơ sở của TP.Long Khánh. Ảnh: Bình Nguyên |
Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu do dịch bệnh Covid-19, trong khi chi phí vật tư đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn tăng trưởng tốt nhờ phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Toàn huyện hiện có trên 400 ngàn con heo, hơn 6 triệu con gà; sử dụng giống mới trong chăn nuôi đạt 99%. Chăn nuôi trang trại chiếm 80% tổng đàn gồm 220 trang trại, quy mô mỗi trang trại có từ 1 ngàn con heo và từ 50 ngàn con gà trở lên. Một số trại chăn nuôi đang sử dụng chế phẩm sinh học góp phần mang lại hiệu quả trong chăn nuôi, vừa giảm thiểu mùi hôi chuồng trại và xử lý nước thải hiệu quả. Hiện nay, huyện đã và đang nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, cây trồng, xử lý môi trường…
Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài chia sẻ, sản xuất nông nghiệp hiện đối mặt nhiều khó khăn nhưng địa phương luôn chú trọng phát triển kinh tế, đảm bảo thu nhập cho người dân. Trong đó, địa phương đang đầu tư xây dựng cụm chế biến nông sản, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để giải quyết bài toán đầu ra và nâng cao giá trị của nông sản, trái cây tươi. Địa phương cũng đang tập trung phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, nhất là đang nhân rộng các mô hình hiệu quả như: nuôi tôm càng xanh, các vùng chuyên canh cá nước ngọt...
Tuy ngành Nông nghiệp gặp khó khăn nhưng Chính phủ vẫn đặt ra mục tiêu cao xây dựng NTM trong giai đoạn mới. Theo đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu chung về thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là từ 58 triệu đồng/người trở lên. Cụ thể, vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ chỉ tiêu đạt từ 47 triệu đồng/người trở lên; vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long đạt từ 64 triệu đồng/người trở lên; vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên từ 52 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam bộ từ 76 triệu đồng/người trở lên. |
Bình Nguyên