Chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên so với dự kiến ban đầu khiến tổng mức đầu tư dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM cũng tăng theo.
Chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên so với dự kiến ban đầu khiến tổng mức đầu tư dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM cũng tăng theo.
Đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn hiện là đoạn duy nhất thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Ảnh: P.Tùng |
* Tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 1,6 ngàn tỷ đồng
Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) có chiều dài 8,75km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận H.Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 6,3km. Đây là đoạn đầu của tuyến đường vành đai 3 - TP.HCM.
Theo dự kiến ban đầu, dự án 1A có tổng mức đầu tư hơn 5,3 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ GT-VT đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên hơn 6,9 ngàn tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 1,6 ngàn tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GT-VT) - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, cho biết nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1A phải điểu chỉnh tăng thêm là do chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng tăng. Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng của dự án từ mức hơn 624 tỷ đồng như dự kiến ban đầu hiện đã tăng lên hơn 2,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn Đồng Nai tăng từ gần 476 tỷ đồng lên hơn 651 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM tăng từ gần 149 tỷ đồng lên gần 1.600 tỷ đồng.
Cũng theo quyết định của Bộ GT-VT, trên cơ sở mức đầu tư được điều chỉnh, cơ cấu nguồn vốn dự án được thay đổi. Trong đó, vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc là hơn 190 triệu USD. Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2,7 ngàn tỷ đồng (bao gồm vốn ngân sách trung ương hơn 529 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 2,2 ngàn tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng).
* Nỗ lực để sớm khởi công dự án
Theo kế hoạch ban đầu, dự án 1A dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và quá trình thực hiện các thủ tục kéo dài nên kế hoạch này đã không thể thực hiện. Chủ đầu tư dự án sau đó đã dự kiến khởi công dự án trong quý I-2022. Mặc dù vậy, kế hoạch này tiếp tục không thể thực hiện vì chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư cũng như công tác giải phóng mặt bằng.
Mới đây nhất, kế hoạch khởi công xây dựng dự án trong tháng 5-2021 cũng không thành công do công tác đấu thầu bị chậm và phải xin ý kiến nhà tài trợ. Vì vậy, lịch dự kiến khởi công dự án lại được lùi sang tháng 6-2022.
Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là một đoạn của đường vành đai 3 - TP.HCM và là dự án trọng điểm quốc gia được ưu tiên đầu tư trước nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đến các khu công nghiệp tại H.Nhơn Trạch và ngược lại. Khi các đoạn còn lại của đường vành đai 3 - TP.HCM được hoàn thành sẽ cùng với tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hình thành đồng bộ mạng lưới đường vành đai TP.HCM theo quy hoạch. |
Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay, trong tháng 5-2022, đơn vị đã ký hợp đồng đối với gói thầu tư vấn giám sát của dự án 1A. Đối với gói thầu xây lắp, đơn vị đang báo cáo kết quả đấu thầu cho Bộ GT-VT và nhà tài trợ EDCF. Dự kiến việc lựa chọn nhà thầu xây lắp của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 6-2022 để sẵn sàng cho công tác khởi công, thi công dự án ngay sau khi được bàn giao đủ mặt bằng.
Mặc dù vậy, theo đại diện của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, việc hoàn thành các thủ tục để ký hợp đồng với nhà thầu xây lắp vẫn còn khá nhiều bước phải được thực hiện và thời gian có thể kéo dài hơn dự kiến.
“Đây là dự án thực hiện đấu thầu xây lắp quốc tế. Do đó, thời gian cũng như các thủ tục phụ thuộc nhiều vào phía nhà tài trợ quốc tế. Ngoài ra, theo quy định của Việt Nam, nhà thầu trúng thầu rồi nhưng chưa thể ký được hợp đồng ngay vì phải xin giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Xây dựng cấp. Thủ tục này dự kiến cũng phải cần từ 3-4 tuần mới hoàn thành” - ông Diệp Bảo Tuấn cho hay.
Một khó khăn khác có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự kiến khởi công dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Theo phương án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng của dự án 1A sẽ được các địa phương thực hiện đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn. Để xây dựng 6,3km thuộc dự án đi qua địa bàn tỉnh, Đồng Nai sẽ phải thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 49ha của 457 hộ dân (378 hộ dân có đất bị thu hồi và 79 hộ có tài sản trên đất) trên địa bàn 2 xã Long Tân và Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch. Tổng nguồn vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án đối với đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh sau khi cập nhật mới là hơn 650 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay đơn vị mới chỉ nhận bàn giao mặt bằng đối với đoạn tuyến dài khoảng 650m tiếp giáp với đường Tôn Đức Thắng từ điểm đầu dự án thuộc gói thầu CW2. Đối với đoạn tuyến dài khoảng 800m tiếp giáp bờ sông Đồng Nai vẫn chưa được tiến hành chi trả để bàn giao mặt bằng để triển khai thi công gói thầu CW1 - cầu Nhơn Trạch theo dự kiến.
Phạm Tùng