Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế tài xử phạt môi trường tại các doanh nghiệp chưa nghiêm

07:06, 16/06/2022

Luật và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực, nhưng việc áp dụng và thực thi pháp luật xử phạt vi phạm môi trường còn nhiều bất cập.

Luật và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực, nhưng việc áp dụng và thực thi pháp luật xử phạt vi phạm môi trường còn nhiều bất cập.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai kiểm tra hệ thống thoát nước mưa Khu công nghiệp Loteco Long Bình
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai kiểm tra hệ thống thoát nước mưa Khu công nghiệp Agtex Long Bình. Ảnh: B.Mai

Đây là quan điểm được các luật sư, cơ quan quản lý và đại diện doanh nghiệp (DN) đưa ra tại 2 tọa đàm về Áp dụng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm môi trường do Hội Luật gia tỉnh tổ chức và Trách nhiệm của DN trong khu công nghiệp (KCN) do Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tổ chức gần đây.

* Vi phạm pháp luật môi trường ở hầu hết ngành nghề

Thời gian qua, Đồng Nai xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường tại các DN sản xuất công nghiệp, có thể kể đến như: Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (KCN Biên Hòa 1) chôn lấp 42 tấn chất thải nguy hại trong khuôn viên nhà máy; đối tác thu gom chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Advanced Multitech (KCN Nhơn Trạch 3) đổ gần 100 tấn chất thải ra môi trường…

Trong sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Sinh học Đồng Tâm (H.Trảng Bom) không đầu tư hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Ở lĩnh vực khai thác khoáng sản, từ năm 2017-2020, có hơn 900 vụ vi phạm khai thác, kinh doanh khoáng sản bị xử phạt. 

Luật sư NGUYỄN ĐỨC, Hội Luật gia tỉnh, cho rằng các vụ vi phạm pháp luật về môi trường chủ yếu vì mục đích kinh tế, vì vậy phải tăng chế tài xử phạt, mức phạt cao hơn giá trị thu lợi mới giảm được hành vi vi phạm. Ngoài ra, tăng thêm các hình thức phạt bổ sung. “Muốn bảo vệ môi trường bền vững thì chính sách phải hoàn thiện. Nhưng thực tế việc áp dụng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm môi trường còn nhiều bất cập, không đồng bộ giữa các quy định” - luật sư Nguyễn Đức nói.

Thượng tá Trần Hùng Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, cho rằng phát triển kinh tế - xã hội và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên đang là sức ép lớn với môi trường. Nước thải mặc dù được thu gom xử lý nhưng còn vượt chuẩn, hệ thống xử lý khí thải tại nhiều công ty quá cũ, tỷ lệ tái chế chất thải rắn còn thấp. Nhiều DN chưa thực hiện đúng hoặc làm đối phó các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Phó trưởng phòng TN-MT (Ban Quản lý các KCN Đồng Nai) Nguyễn Thành Trung chia sẻ, trong 5 năm gần đây, đơn vị đề xuất UBND tỉnh và UBND cấp huyện ban hành khoảng 50 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, còn áp dụng 2 hình thức xử phạt khác là phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả.

Theo ông Trung, hầu hết các DN trong KCN đều có ý thức tuân thủ quy định pháp luật về môi trường đối với chất thải rắn, nước thải, khí thải. Tuy nhiên, vẫn còn ít đơn vị chưa đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung, chưa lắp đặt quan trắc tự động nước thải và khí thải.

Đại diện DN sản xuất nhựa và hóa chất ở H.Long Thành chia sẻ, bản thân các DN không cố tình vi phạm pháp luật về môi trường vì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tạm đình chỉ hoạt động, uy tín của DN với đối tác và người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, có nhiều quy định rất khó áp dụng. Chẳng hạn, chất thải không may đánh sai mã số theo quy định là vi phạm pháp luật, mỗi DN sản xuất phải hợp đồng với 3-5 đơn vị xử lý khác nhau theo từng loại chất thải…

* Còn nhiều bất cập

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, vấn đề bất cập hiện nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thông tư, nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực nhưng chưa có quy định mới về xử lý vi phạm. Nội dung, hình thức và mức xử phạt vẫn áp dụng theo các quy định cũ. Ngoài ra, một số chủ trương, quy định liên quan đến việc tái sử dụng chất thải, điện mặt trời mái nhà và xác định yếu tố nhạy cảm về môi trường chưa đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn cho cả DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Đơn cử như vấn đề về tái sử dụng chất thải, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 1-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 khuyến khích việc tái sử dụng chất thải; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn kỹ thuật cho việc tái sử dụng nước thải công nghiệp cho mục đích: tưới cây, dội nhà vệ sinh, sản xuất công nghiệp.

Ông Hoàng Phúc Thiện Mỹ, Thanh tra Sở TN-MT, cho rằng hiện nay có rất nhiều cơ quan, đơn vị có quyền tham gia giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật môi trường, nhưng ở từng lĩnh vực còn hạn chế. Chẳng hạn, nội dung xả nước thải sinh hoạt ra kênh mương và thu gom, xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp rất nan giải, vì thiếu công trình xử lý tập trung. Để xác định vi phạm lưu lượng, định lượng khí thải phải có dụng cụ, phương tiện đo kiểm chuyên dùng, tuân thủ quy trình lập và ký biên bản vi phạm mất nhiều thời gian.

“Thanh tra viên môi trường chưa được pháp luật môi trường bảo vệ nên rất e ngại trách nhiệm khi lập biên bản vi phạm” - ông Hoàng Phúc Thiện Mỹ thông tin.

Đồng tình ý kiến trên, thượng tá Trần Hùng Cường cho rằng, hầu hết các vụ vi phạm khí thải, nước thải mới dừng lại ở mức phạt vi phạm hành chính, chưa khởi tố hình sự.

Để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật môi trường của các chủ thể, cần bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi xả khí thải, nước thải khối lượng lớn, vượt tiêu chuẩn kỹ thuật nhiều lần; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Đồng thời, khắc phục dần sự chồng chéo giữa các văn bản luật; hướng dẫn quy trình, cách thức giám định các vi phạm; khẩn trương ban hành nghị định xử phạt vi phạm pháp luật môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 

Ban Mai

Tin xem nhiều