Thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động. Việc đầu cơ, đầu tư vào đất nền, đất nông nghiệp xảy ra ở nhiều nơi, gây ra nhiều biến tướng, "sốt" đất, do đó việc "siết" dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là cần thiết.
Thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động. Việc đầu cơ, đầu tư vào đất nền, đất nông nghiệp xảy ra ở nhiều nơi, gây ra nhiều biến tướng, “sốt” đất, do đó việc “siết” dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là cần thiết.
Nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản và chú trọng dòng vốn tín dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán lẻ…. Ảnh: L.PHƯƠNG |
Tuy vậy, với dòng vốn dành cho những người có nhu cầu mua nhà để ở, sửa chữa nhà cửa thực sự thì đây là nhu cầu chính đáng.
* Người vay khó tiếp cận dòng vốn
Trước tình trạng giá bất động sản ngày càng “nóng” dần lên và những lo ngại về nợ xấu, nhiều ngân hàng thương mại đã kiểm soát chặt chẽ cho vay bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ.
Ngoài ra, theo nhiều ngân hàng, nhất là ở các ngân hàng nhỏ, “room” tín dụng (giới hạn cho vay) dành cho lĩnh vực này ngày càng siết lại nên nhu cầu cho vay vốn về bất động sản chững lại, các thủ tục cho vay, thẩm định ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn, lãi suất cho vay về bất động sản cũng tăng cao từ 1-1,5%/năm so với đầu năm nay. Hiện trung bình cho vay đầu tư vào khoảng 12-14,5%/năm, vay tiêu dùng để mua nhà, xây, sửa nhà khoảng 8-10%/năm. Khi tỷ lệ cho vay ít đi và duyệt tín dụng khó hơn khiến cho người có nhu cầu vay tiền mua nhà vất vả xoay trở.
Ông T., trưởng phòng tín dụng dành cho khách hàng cá nhân của một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay “room” tín dụng cho vay về bất động sản của nhiều ngân hàng đang gặp khó, không có nguồn thay thế nên quy trình xét duyệt vay vốn ngày càng siết hơn, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng vay vốn đang tạm ngưng giải quyết hồ sơ vì thiếu nguồn vốn cho vay đối với hoạt động này. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay về bất động sản cũng tăng từ 1-1,5%/năm so với đầu năm. Do “room” tín dụng cho lĩnh vực bất động sản giảm để ưu tiên các lĩnh vực khác và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản tăng nên hiện nay nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực này cả về kinh doanh lẫn vay tiêu dùng để mua nhà, xây, sửa nhà cũng chững lại so với cuối năm ngoái.
Anh Phạm Văn Lộc (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, anh đang có nhu cầu vay vốn từ 400-600 triệu đồng để mua nhà ở nên cũng tìm hiểu nhiều ngân hàng về lãi suất và thủ tục vay vốn nhưng hiện nay lãi suất vay cao hơn và thủ tục xét duyệt khó khăn hơn trước đây. Đặc biệt, trước thông tin các ngân hàng đang siết chặt cho vay về bất động sản nên anh càng lo lắng hơn vì khó có thể xoay xở thêm nguồn vốn nào khác trong bối cảnh này.
* Cần phương án giải quyết cho người vay có nhu cầu chính đáng
Theo đại diện Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, lĩnh vực cho vay bất động sản là lĩnh vực không ưu tiên, có lãi suất cho vay thông thường, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhiều ngân hàng ngày càng kiểm soát chặt chẽ cho vay đối với lĩnh vực này. Hơn thế nữa, hiện nay “room” tín dụng dành cho lĩnh vực này của nhiều ngân hàng không còn nhiều. Do đó, dư nợ cho vay về bất động sản trên địa bàn đang chững lại.
Trên thực tế hiện nay, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản của nhiều ngân hàng thương mại gồm cả cho vay kinh doanh bất động sản và các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống về bất động sản. Các ngân hàng đang cố gắng cân đối các dòng vốn ngoài sản xuất, nhất là các khoản vay tiêu dùng như: vay để mua, thuê, sửa chữa nhà ở; mua phương tiện đi lại; mua sắm đồ dùng... nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của người dân.
Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa chia sẻ, hiện nay bên cạnh nguồn vốn dành cho các khách hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chi nhánh còn tiếp tục triển khai các gói vay tiêu dùng liên quan về mua nhà, xây, sửa nhà, cũng như siết chặt việc cho vay kinh doanh, đầu cơ bất động sản.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho hay, việc rà soát, siết “van” tín dụng là cần thiết để làm lành mạnh và ổn định thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ, gom đất nông nghiệp, mua bán sang tay… Tuy nhiên cũng cần có lộ trình và biện pháp phù hợp để tạo điều kiện vay vốn cho những trường hợp có nhu cầu chính đáng, nhất là đối với những công nhân lao động thu nhập thấp có nhu cầu thực về chỗ ở thì cần có phương án hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, đảm bảo quy định…
Theo văn bản NHNN Việt Nam gửi các các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào đầu năm nay về việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp. Ngoài ra, cần thận trọng trong xem xét quyết định cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn xảy ra tình trạng sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao… Đồng thời, tập trung đầu tư nguồn vốn vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường bất động sản; các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân… |
Lam Phương