Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Làm gì để "nuôi" sản xuất lớn lên?

03:05, 13/05/2022

Vỡ quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), nhiều chuỗi liên kết kém bền vững đặt ra vấn đề đầu tư chuỗi liên kết trong giai đoạn tới phải xuất phát từ thực tế sản xuất, từ nhu cầu thị trường chứ không nên là mô hình vận động, áp từ trên xuống…

[links()]Vỡ quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), nhiều chuỗi liên kết kém bền vững đặt ra vấn đề đầu tư chuỗi liên kết trong giai đoạn tới phải xuất phát từ thực tế sản xuất, từ nhu cầu thị trường chứ không nên là mô hình vận động, áp từ trên xuống…

Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương, H.Định Quán
Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương, H.Định Quán. Ảnh: B.NGUIYÊN

Để gỡ được bài toán khó trong xây dựng CĐL, cần sự thay đổi về tư duy xây dựng chuỗi liên kết của tất cả thành phần tham gia chuỗi như: doanh nghiệp (DN), nông dân, nhà quản lý... Ngoài ra, rất cần bệ đỡ về mặt chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

* Mở rộng tầm nhìn về chuỗi giá trị

Theo phản ánh của các địa phương, tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại, thu nhập của nông dân giảm sút vì tình trạng lạm phát khiến vật tư đầu vào liên tục leo thang do phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường tiêu thụ bấp bênh…

Góp ý về cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn kiến nghị, trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Riêng về chính sách hỗ trợ cho kinh tế hộ, kinh tế tập thể, HTX phát triển, trước mắt nên tập trung phát triển DN. Vì với vai trò dẫn dắt kinh tế hộ, kinh tế tập thể và HTX cùng phát triển, các DN có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về vốn, công nghệ, quản lý, thị trường...

Góp ý cho việc đầu tư xây dựng CĐL và chuỗi liên kết, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (DN có vốn đầu tư của Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương) tham gia chuỗi liên kết thu mua tiêu sạch cho nông dân tại Đồng Nai, cho rằng ở những tỉnh, thành giáp ranh TP.HCM đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá đất đang tăng theo cấp số nhân. Thực tế, nông dân ở một số vùng quê có “cơn sốt” giá đất đang tràn qua, không mấy ai chú tâm làm nông nữa nên các dự án CĐL, chuỗi liên kết cũng đang bị phá vỡ, bị thu hẹp lại.

Theo ông Lâm, với mặt bằng giá đất quá cao như hiện nay, Đồng Nai không có lợi thế để nhân rộng những mô hình CĐL theo kiểu mô hình từ trên áp xuống; nên có góc nhìn mới, tập trung xây dựng những chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững để sản xuất đồng nhất về chất lượng, minh bạch về nguồn gốc. Các địa phương trong tỉnh, thậm chí nhiều tỉnh, thành cần liên kết vùng để vẫn đảm bảo sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng cả sản lượng và chất lượng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Đây cũng là một trong những nội dung Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần đề cập, CĐL không chỉ là mảnh ghép cơ học từ những thửa ruộng nhỏ, không chỉ là giới hạn của những bờ thửa nhỏ dần được mở rộng theo hướng cơ học để cộng thêm chu vi, diện tích thì vẫn cứ là tư duy sản xuất gắn liền với mục tiêu gia tăng sản lượng. Dù sản lượng ngày càng nhiều hơn từ những CĐL nhờ vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, nhờ vào nâng cao năng suất giống, nhờ vào cải tiến quy trình canh tác, cải thiện năng suất lao động thì giá trị gia tăng của nông sản vẫn chưa thể chuyển đến tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, việc nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế khiến người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời. Không những vậy, phần nhiều nông dân không được các cơ quan chức năng hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo trong quá trình sản xuất. Bản thân các DN xuất khẩu nông sản phải năng động tìm kiếm những thông tin của từng thị trường cụ thể để dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi họ mua như thế nào thì người nông dân sản xuất như thế đó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Vai trò của hiệp hội, ngành hàng là vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì. Đây là vai trò của hiệp hội, ngành hàng. Các hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên để dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường”.

* Rất cần bệ đỡ về chính sách

Trong giai đoạn mới, nhiều cơ chế, chính sách cũng như chương trình, đề án được triển khai nhằm phát triển sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến. Tuy nhiên, các chính sách trên chưa có sự đồng bộ, việc triển khai vào thực tế cũng còn nhiều khập khiễng.

Đồng Nai đang triển khai đầu tư 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản gồm: Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao (H.Cẩm Mỹ), Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán). Ngoài ra, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) với diện tích khoảng 7ha đang tiêu thụ tốt các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau tươi trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng không chỉ đa dạng các mặt hàng mà được quy hoạch đồng bộ về khu vực logistics, kho mát, kho lạnh, trung tâm hỗ trợ bán buôn quốc tế… Đây là cơ sở để kết nối giữa các địa phương, các vùng sản xuất trong và ngoài tỉnh nhằm hình thành được các chuỗi liên kết quy mô hàng hóa lớn từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

DN, HTX, nông dân mong muốn Nhà nước xây dựng nên một hệ sinh thái đủ mạnh để “nuôi lớn” các CĐL, chuỗi liên kết với sự đồng bộ các chính sách khuyến khích về nguồn vốn, ưu đãi thuế, đất đai, giải pháp công nghệ...

Giám đốc HTX Lâm San (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Ngọc Luân cho biết, HTX đang có rất nhiều đối tác đặt hàng hồ tiêu xuất khẩu với sản lượng lớn. Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là dù dự án CĐL sản xuất tiêu sạch đã được triển khai nhiều năm qua nhưng tiếp cận được rất ít vốn trong chương trình hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ, thủ tục hồ sơ còn rườm rà, phức tạp... Ngoài ra, HTX cũng mong được hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt như: quỹ đất để đầu tư nhà máy thu mua, bảo quản, chế biến ngay tại vùng nguyên liệu; sớm triển khai đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất…

Đặc biệt, khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là một trong những rào cản để các chuỗi liên kết lớn mạnh.

HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) là một trong những HTX tiên phong của tỉnh thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ chuối. Đặc biệt, sản phẩm xơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường đang được HTX xuất khẩu tốt sang châu Âu, Nhật Bản… Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX, chia sẻ khó khăn của HTX là thiếu nguồn vốn lớn để đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp công nghệ máy móc cho xưởng chế biến. Cụ thể, HTX đang cần từ 8-9 tỷ đồng đầu tư cơ sở đóng gói, hệ thống cấp đông, dây chuyền chế biến rác thải hữu cơ từ các phế phẩm trong sản xuất... ngay tại vùng sản xuất. “HTX mong được cởi trói về thủ tục, hồ sơ cho các gói vay trung, dài hạn. Phía các ngân hàng nên xem xét dự án nào khả thi cần có sự linh hoạt hơn về thủ tục cho vay, giải quyết ngay nguồn vốn cho HTX kịp thời nắm bắt được thời cơ để phát triển” - ông Hùng bày tỏ nguyện vọng.

Ngoài ra, những rào cản về thủ tục đất đai, quy hoạch cũng cần được tháo gỡ. Để phát triển nông nghiệp xứng tầm với đô thị sân bay trong tương lai, H.Long Thành đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Ông Phạm Ngọc Vinh, Phó trưởng phòng Kinh tế H.Long Thành cho biết, hiện địa phương đã thu hút được một số DN đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đến đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Vinh: “Khó khăn không nhỏ hiện nay là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần số vốn lớn. Trong đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là, để đầu tư mô hình sản xuất này, nhà đầu tư có nhu cầu xây dựng các hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh như: khu sơ chế, nhà kho, lò sấy, lán trại, nhà ở cho công nhân… Tuy nhiên, việc thực hiện các công trình xây dựng trên đang vướng rất nhiều thủ tục về đất đai, xây dựng, giới thiệu địa điểm đầu tư…”.

Bình Nguyên - Kim Ngân

Tin xem nhiều