Phương án xây dựng tuyến giao thông kết nối Bình Phước - Đồng Nai được Viện Chiến lược và phát triển GT-VT (Bộ GT-VT) kiến nghị lựa chọn được cho là có nhiều ưu điểm như: tận dụng được các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng; tổng mức đầu tư thấp; mức độ ảnh hưởng đến Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai thấp; bảo đảm các yêu cầu về môi trường.
Phương án xây dựng tuyến giao thông kết nối Bình Phước - Đồng Nai được Viện Chiến lược và phát triển GT-VT (Bộ GT-VT) kiến nghị lựa chọn được cho là có nhiều ưu điểm như: tận dụng được các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng; tổng mức đầu tư thấp; mức độ ảnh hưởng đến Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai thấp; bảo đảm các yêu cầu về môi trường.
Viện Chiến lược và phát triển GT-VT đã kiến nghị lựa chọn phương án xây dựng tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai không đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Trong ảnh: Đường 761 phục vụ dân sinh qua Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai |
* Nhiều bộ, ngành không đồng thuận làm đường xuyên rừng
Liên quan đến việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Phước, theo Viện Chiến lược và phát triển GT-VT, ngày 22-4, Bộ GT-VT đã có cuộc họp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường tỉnh 753 thành quốc lộ 13C và xây dựng cầu Mã Đà. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Bộ GT-VT; KH-ĐT; Tài chính; TN-MT; NN-PTNT; Ngoại giao; VH-TTDL cùng đại diện 3 địa phương: Bình Phước, Đồng Nai và Bình Dương.
Ngày 9-5, Bộ GT-VT đã có văn bản gửi các Bộ KH-ĐT, Tài chính, TN-MT, NN-PTNT, Ngoại giao, VH-TTDL cùng 3 địa phương: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương về việc tham gia ý kiến về phương án đầu tư tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai. Theo đó, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT đề nghị các bộ và các địa phương nghiên cứu, tham gia ý kiến về các phương án đầu tư tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là phương án 1; đề xuất phương án lựa chọn. Các bộ liên quan phối hợp, hỗ trợ Bộ GT-VT tham gia ý kiến cụ thể về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị mình. |
Tại cuộc họp, trong 4 phương án được Viện Chiến lược và phát triển GT-VT đưa ra, có nhiều bộ, ngành không đồng thuận với các phương án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai (phương án 1 và 4).
Cụ thể, Bộ TN-MT nhận định tuyến đường đi qua vùng lõi không phù hợp với Khoản 2, Điều 7 Luật Đa dạng sinh học, là hành vi bị cấm, trừ xây dựng công trình phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh. Về thủ tục, công trình đi qua vùng đệm, vùng lõi phải thực hiện 3 thủ tục gồm: đánh giá sơ bộ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) giai đoạn lập chủ trương đầu tư; đánh giá ĐTM giai đoạn lập dự án; lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về tác động đến đa dạng sinh học, đánh giá chuyên đề đa dạng sinh học. Các yêu cầu trên phải được đánh giá cho cả 4 phương án, kèm theo giải pháp giảm thiểu. Quan điểm của đại diện Bộ TN-MT là không ủng hộ phương án tuyến đi qua vùng lõi (phương án 1 và 4).
Trong khi đó, đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, không nên tác động, không xây dựng tuyến đường bộ đi qua, trừ các tuyến đường phục vụ đi bộ du lịch, phục vụ kiểm lâm tuần rừng. Do đó, đại diện Bộ NN-PTNT ủng hộ phương án 2 (hướng tuyến đi qua vùng đệm) hơn phương án 1.
Riêng đại diện Bộ VH-TTDL cho rằng, các công trình giao thông không phải là công trình tôn tạo nên vùng I không thể xây dựng. Trong vùng I chỉ xây dựng lối mòn, đường dành cho kiểm lâm. Đại diện Bộ này cũng không ủng hộ phương án làm đường đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Đại diện các bộ, ngành còn lại cũng có những ý kiến khác và chưa đồng thuận với phương án xây dựng cầu Mã Đà cũng như tuyến quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
* Kiến nghị chọn phương án không đi qua vùng lõi
Theo Viện Chiến lược và phát triển GT-VT, sau cuộc họp ngày 22-4, Bộ GT-VT đã giao đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành khảo sát thực địa để xây dựng và đề xuất các phương án phù hợp. Trong 2 ngày 24 và 25-4, Viện Chiến lược và phát triển GT-VT phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GT-VT các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa các phương án đầu tư tuyến đường kết nối Bình Phước - Đồng Nai. Trên cơ sở khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương, đơn vị đã đề xuất 3 phương án tuyến gồm:
Phương án 1, tuyến qua cầu Mã Đà và đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Với phương án này, tuyến đường có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 79km, là hướng tuyến ngắn nhất trong các phương án. Tuy nhiên, phương án tuyến này có 31km đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai nên ảnh hưởng đến môi trường. Trường hợp xây dựng theo phương án 1 phải xây dựng thêm các công trình cầu cạn, hầm chui cho động vật qua lại, hàng rào, tường chống ồn… nên chi phí xây dựng lớn nhất trong các phương án. Cùng với đó, thủ tục rất phức tạp, quy mô không thể mở quá lớn do ảnh hưởng đến Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai nên có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải.
Đối với phương án 2 sẽ có 2 phương án nhỏ. Cụ thể, phương án 2.1 là kết nối đường tỉnh 753 với đường Đồng Phú - Bình Dương (đều thuộc tỉnh Bình Phước) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) kết nối về đường vành đai 4 (trên địa bàn tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, do đây là tuyến kết nối trực tiếp Bình Phước - Bình Dương, trong khi về cơ bản nhu cầu kết nối giữa 2 địa phương đã đầy đủ nên việc bổ sung thêm tuyến kết nối sẽ gia tăng thêm áp lực giao thông cho tỉnh Bình Dương.
Với phương án 2.2, sẽ thực hiện mở mới tuyến từ đường tỉnh 753 đến đường huyện 416 (tỉnh Bình Phước) kết nối về đường vành đai 4 (trên địa bàn tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, phương án này cũng gặp phải khó khăn như phương án 2.1. Ngoài ra, với phương án này, do phần lớn chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh Bình Dương nên phụ thuộc vào nguồn lực của tỉnh Bình Dương để đầu tư tuyến đường.
Đối với phương án 3, sẽ thực hiện kết nối qua tuyến quốc lộ 56B về đường vành đai 4 (trên địa bàn Đồng Nai). Đây là phương án có tổng chiều dài tuyến dài nhất với 105km. Cũng như phương án 2.2, do phần lớn chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh Bình Dương nên phụ thuộc vào nguồn lực của tỉnh Bình Dương để đầu tư tuyến đường.
Trên cơ sở so sánh các phương án, Viện Chiến lược và phát triển GT-VT đã kiến nghị lựa chọn phương án 2.1. Bởi về hướng tuyến, việc kết nối từ TX.Đồng Xoài đến đường vành đai 4 thuận tiện, chiều dài tuyến ngắn. Về lâu dài, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai 4. Đồng thời, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên về cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phương án này cũng tận dụng được các tuyến đường tỉnh 753, 746 và đường huyện 416 đã được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, các tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương; Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hiện cũng đang được đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, đây cũng là phương án có tổng mức đầu tư xây dựng thấp và mức độ ảnh hưởng đến Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai thấp, bảo đảm các yêu cầu về môi trường.
Trước đó, ngày 6-5, UBND tỉnh cũng đã có văn bản về việc triển khai thực hiện Thông báo số 169/TB-BGTVT (ngày 29-4-2022) của Bộ GT-VT về kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp về phương án đầu tư tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GT-VT chủ trì, phối hợp với các Sở TN-MT, NN-PTNT, UBND H.Vĩnh Cửu, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu thông báo nêu trên của Bộ GT-VT, tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh báo cáo Ban TVTU theo quy định. |
Phạm Tùng