Hiện nay, tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng sản xuất nông nghiệp… của tỉnh, nguồn điện vẫn chưa đảm bảo. Nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2020 đã hết hạn từ cách đây 2 năm,..
Hiện nay, tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng sản xuất nông nghiệp… của tỉnh, nguồn điện vẫn chưa đảm bảo. Nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2020 đã hết hạn từ cách đây 2 năm, việc vận động nhân dân đóng góp làm đường điện hạ thế sau trạm biến áp gặp khó khăn.
Công nhân ngành Điện nâng cấp trạm biến áp phục vụ sản xuất nông nghiệp ở H.Xuân Lộc. Ảnh: H.Lộc |
Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức vừa ký văn bản trình HĐND tỉnh tiếp tục chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng điện phục vụ sinh hoạt, các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, chăn nuôi nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.
* Có điện, có trạm nhưng không có đường dây hạ thế
Tại khu đồng bào dân tộc S’tiêng thuộc ấp 4, xã Tân Hiệp (H.Long Thành), nhiều năm qua, người dân phải “câu” điện sinh hoạt. Kinh tế nông nghiệp chỉ có cây tràm, mì và cao su. Năm 2021, hơn 10 hộ dân nhánh trục đường chính bàn nhau góp tiền trồng trụ, kéo dây và lắp công tơ điện cho từng hộ.
Ông Điểu Phiểm (ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp) cho biết, gia đình ông ở sâu trong khu vực suối. Trước đây, địa phương có chính sách đưa các hộ đồng bào dân tộc ra khu định cư làng dân tộc S’tiêng nhưng gia đình ông không có tên trong danh sách. Bao năm qua, ông phải dùng điện “ké” nhà khác với giá cao, điện yếu. Năm 2021, ông bỏ ra 45 triệu đồng cùng các hộ kéo đường dây hạ thế về tận nhà, nhờ vậy mới có điện xài ổn định.
Theo thống kê của Sở Công thương, giai đoạn 2022-2025, các địa phương cần nâng cấp 91km đường dây 1 pha lên 3 pha, đầu tư mới 55km đường dây 1 pha và 190km đường dây 3 pha. Tổng mức đầu tư khoảng 385 tỷ đồng, trong đó vốn vay 80%. Tỉnh đề xuất ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay để đầu tư công trình điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất tập trung, hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư công trình điện phục vụ chăn nuôi. |
Ông Đặng Công Toán, Trưởng ấp 4 cho biết trên địa bàn ấp vẫn còn 1 tuyến đường nữa chưa có đường dây hạ thế, người dân phải kéo điện từ Nhà văn hóa ấp về nhà để sử dụng. Khu vực này toàn những hộ khó khăn. Ấp đã kiến nghị lên xã, xã kiến nghị huyện nhưng vẫn chưa được đầu tư. “Người dân ở đây mong có đường điện hạ thế, nhưng vì họ không đủ tiền đóng góp làm hạ tầng nên đành phải chịu” - ông Toán cho hay.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân cho biết, nhu cầu điện sản xuất ngày càng tăng, trong khi đầu tư mới và nâng cấp các công trình phụ thuộc vào nguồn vốn phân bổ. Việc vận động người dân đóng góp 50% kinh phí để làm đường dây sau trạm biến áp cũng khó khăn, như tại các xã: Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp. Huyện kiến nghị tỉnh có cơ chế đặc thù, hỗ trợ kinh phí đầu tư đường dây hạ thế đối với các khu này.
Ông Đỗ Quang Thúy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ), cho biết trên địa xã có 2 khu vực cần được đầu tư lưới điện để phát triển nông nghiệp. Một là khu vực trồng cây hằng năm hơn 300ha tại ấp 3. Khu vực này, vụ hè - thu canh tác thuận lợi nhưng vụ đông - xuân thiếu nước, sản xuất kém hiệu quả. Mới đây, huyện đã đầu tư đường nội đồng, địa phương kiến nghị đầu tư thêm đường điện hạ thế khoảng 7km phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tương tự, ấp 8 được quy hoạch cánh đồng mẫu lớn cũng chưa có điện hạ thế. Nếu có điện, người dân sẽ yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, tự tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
* Sự hỗ trợ cần thiết
Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng Sở Công thương Trần Minh Đạt cho hay, theo quy định, điện lực chỉ đầu tư phần đường dây trung thế và trạm biến áp, còn người dân và địa phương phải bỏ tiền (theo tỷ lệ 50-50 hoặc 70-30) làm đường dây hạ thế. Các khu vực còn khó khăn về điện là do người dân, địa phương chưa có điều kiện đầu tư. Đây chủ yếu là khu vực dân cư thưa thớt, vốn đầu tư lớn nhưng phụ tải thấp; vùng chuyên canh sản xuất chưa được quy hoạch hoặc mới được quy hoạch; khu vực đường giao thông nhỏ, không có quy hoạch lộ giới hạ tầng kỹ thuật.
Cũng theo ông Đạt, trước đây, Đồng Nai có chính sách hỗ trợ hạ tầng lưới điện hạ thế nông thôn theo Nghị quyết 105/2013/NQ-HĐND ngày 6-12-2013 của HĐND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020. Đến nay, chính sách đã hết hạn. Trên cơ sở ý kiến các địa phương, Sở vừa tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ra nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng điện phục vụ sinh hoạt, các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2022-2025. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 385 tỷ đồng, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng điện ở các xã nông thôn mới.
Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung cho rằng, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, thu hút dân cư về vùng sâu sinh sống phải hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hạ tầng điện trước. Có điện, có đường, người dân sẽ làm nhà, đầu tư trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu tư hạ tầng để đẩy giá đất, các huyện rà soát thật kỹ quy hoạch phát triển từng khu vực, khu vực nào thực sự thiếu điện, cần bổ sung thêm điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt mới hỗ trợ đầu tư.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, hiện tỷ lệ bao phủ điện lưới quốc gia nông thôn của Đồng Nai đã đạt trên 99%, nhưng cục bộ một số vùng sản xuất, dân cư hạ thế điện chưa đảm bảo trong khi nguồn vốn đầu tư của người dân, địa phương có hạn. Để tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng điện nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
Hoàng Lộc