Sau gần 2 năm thực hiện, Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND tỉnh về tách thửa với từng loại đất đã không còn phù hợp. Do đó, Sở TN-MT đang phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo quy định về tách, hợp thửa đất để trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm hạn chế tách thửa ồ ạt.
Sau gần 2 năm thực hiện, Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND tỉnh về tách thửa với từng loại đất đã không còn phù hợp. Do đó, Sở TN-MT đang phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo quy định về tách, hợp thửa đất để trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm hạn chế tách thửa ồ ạt.
H.Xuân Lộc có nhiều thửa đất nông nghiệp được tách thửa để mua đi bán lại. Ảnh: H.GIANG |
Theo UBND tỉnh, tới đây, quy định mới về tách thửa đất sẽ được ban hành nhằm quản lý, xử lý các khó khăn, vướng mắc về đất đai trên địa bàn tỉnh. Mục đích là để hạn chế tình trạng tách thửa đất nông nghiệp tràn lan dẫn đến manh mún trong sản xuất. Đồng thời, gỡ khó cho các hộ gia đình, cá nhân khi có nhu cầu tách thửa đất để chia cho con cái hoặc hiến tặng.
* Ồ ạt tách thửa đất nông nghiệp
Từ năm 2020 đến nay, tình trạng tách thửa đất nông nghiệp với diện tích từ 500-1.000m2/thửa diễn ra ồ ạt ở các huyện và TP.Long Khánh. Trong đó, có những thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tách thành 5-10 thửa nhỏ bán cho người từ các tỉnh, thành khác đến mua để đầu tư “lướt sóng”. Việc ồ ạt tách nhỏ đất nông nghiệp khiến chính quyền các địa phương rất lo lắng, nhưng khó ngăn chặn vì người tách thửa thực hiện theo đúng quy định của UBND tỉnh là đất nông nghiệp ở khu vực đô thị 500m2 được phép tách thửa và khu vực nông thôn là 1 ngàn m2.
Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, tình trạng tách thửa đất nông nghiệp diễn ra rất nhiều tại địa bàn H.Xuân Lộc. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã nhận được hơn 1 ngàn hồ sơ đề nghị tách đất thành hơn 3 ngàn thửa. Người mua đất nông nghiệp ở H.Xuân Lộc chủ yếu ở các huyện, thành phố và tỉnh khác về. Tách thửa đất nông nghiệp quá nhiều ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng chuyên canh”.
Tương tự, tại H.Cẩm Mỹ, tình trạng tách đất nông nghiệp từ 1-2 ngàn m2/thửa diễn ra rất nhiều. Vì thế, UBND H.Cẩm Mỹ đề xuất UBND tỉnh trong quyết định mới về tách thửa đất nên có điều khoản ghi rõ đất nông nghiệp được tách 1-3 thửa/lần và sau 2 năm mới cho tách thửa tiếp để tránh tình trạng “băm nhỏ”, ồ ạt tách thửa đất nông nghiệp với mục đích “thổi giá” đất và mua đi bán lại kiếm lời.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường chia sẻ: “Qua rà soát tại một số huyện như: Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ… có thể thấy đất nông nghiệp sau khi làm đường nông thôn mới đẹp và khang trang nên nhiều đối tượng lợi dụng tách thửa đất nông nghiệp rất nhiều để chuyển nhượng. Người mua đất chủ yếu là đầu tư nên sau khi mua thường để đó không trồng trọt, chăm sóc cây trồng làm ảnh hưởng đến các vùng sản xuất lớn”.
* Tìm cách hạn chế tách thửa
Trong dự thảo quy định mới về tách thửa đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, dự tính đất nông nghiệp đô thị diện tích tối thiểu để tách là 500m2 và khu vực nông thôn 1 ngàn m2. Tuy nhiên, nhiều địa phương đề xuất nên có thêm các quy định để hạn chế tách thửa đất nông nghiệp ở những vùng chuyên canh, tránh “băm” nhỏ đất nông nghiệp.
Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài đề xuất: “Đất nông nghiệp ở khu vực thị trấn nên yêu cầu diện tích tối thiểu để tách thửa là 1,5 ngàn m2/thửa và vùng nông thôn 3 ngàn m2/thửa. Như vậy, các địa phương sẽ ngăn chặn bớt được tình trạng phân lô, bán sào đất nông nghiệp đang diễn ra rầm rộ ở nhiều khu vực”.
Tách thửa, mua đi bán lại đất nông nghiệp đang rất sôi động không chỉ ở Đồng Nai mà các địa phương khác cũng rất nhộn nhịp như: Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, dự thảo về tách, hợp thửa đất đã đưa ra lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương trong một thời gian dài nhằm đưa ra những quy định phù hợp để khi đưa vào áp dụng có thể tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, đồng thời giúp chính quyền các huyện, thành phố có thể quản lý chặt, xử lý nghiêm vi phạm về đất đai, hạn chế tách thửa tràn lan rồi phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép. “UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương xây dựng thêm danh mục của từng xã, phường, thị trấn, trong đó quy định rõ diện tích tối thiểu cho tách thửa. Khi quyết định ban hành, các địa phương sẽ căn cứ vào danh mục trên để thực hiện. Sở TN-MT và Sở Tư pháp phối hợp nghiên cứu và tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất việc tách thửa đất ở những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết.
Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Phong An cho rằng, Trung ương đã giao cho UBND các tỉnh, thành ban hành các quy định về tách thửa đất nên UBND tỉnh có thể quy định việc tách thửa cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm quản lý đất đai tốt hơn.
Hương Giang