Theo đánh giá của Sở TN-MT, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn Đồng Nai đã thực hiện đầy đủ thủ tục về môi trường trước, trong và sau khai thác, nhưng vì quy trình thủ tục quá nhiều, chưa tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, thêm vào đó thiếu đánh giá tác động môi trường đối với các cụm mỏ nên cải tạo, phục hồi môi trường chưa hiệu quả.
[links()]Theo đánh giá của Sở TN-MT, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn Đồng Nai đã thực hiện đầy đủ thủ tục về môi trường trước, trong và sau khai thác, nhưng vì quy trình thủ tục quá nhiều, chưa tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, thêm vào đó thiếu đánh giá tác động môi trường đối với các cụm mỏ nên cải tạo, phục hồi môi trường chưa hiệu quả.
Nội dung cải tạo, phục hồi môi trường tại các mỏ khoáng sản theo quy định hiện hành (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân) |
Cần quy định rõ ràng, cụ thể và mạnh tay “bắt” doanh nghiệp phục hồi môi trường, không để tồn tại tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, khai thác thu lợi xong thì “rút êm” và không thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường theo quy định.
* Đánh giá tác động tổng thể
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cụm mỏ lớn là: Phước Tân - Tam Phước (TP.Biên Hòa), Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) và Soklu (H.Thống Nhất). Mỗi cụm đều có trên dưới 10 mỏ nhưng chỉ có báo cáo đánh giá tác động mội trường (ĐTM) độc lập của từng mỏ, không có ĐTM cả cụm. Do đó, không thể đánh giá hết mức độ ô nhiễm, mức độ ảnh hưởng đến người dân. Từ chỗ đánh giá không hết mức độ ảnh hưởng dẫn đến không có phương án cải tạo, phục hồi tổng thể.
Nhận thấy cần phải ĐTM tổng thể đối với các cụm mỏ nên năm 2020, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân. Sở TN-MT là đơn vị chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan và Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam tổ chức triển khai dự án theo đề cương đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bộ Tài chính đề xuất tăng 200% phí môi trường đối với KTKS Bộ Tài chính đang lấy ý về tăng phí bảo vệ môi trường hoạt động KTKS. Theo Bộ này, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 của Chính phủ quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường là 1.500-6.000 đồng/m3 là rất thấp. Bộ đề xuất điều chỉnh tăng phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng mức phí tối thiểu bằng mức phí tối đa hiện hành; mức phí tối đa bằng 200% mức phí tối đa hiện hành. Đối tượng nộp phí là tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề KTKS; tổ chức, cá nhân thu mua khoáng sản mà khoáng sản đó chưa nộp phí bảo vệ môi trường. Bộ cũng đề xuất miễn thu phí đối với việc sử dụng đất đá thải để cải tạo, phục hồi môi trường các mỏ sau khai thác. |
Nhiệm vụ này đang triển khai và sẽ hoàn thành trong quý II-2022, không chỉ giúp đánh giá chính xác mức độ tác động đến môi trường của các cụm mỏ, tìm giải pháp “cứu” lấy sông Buông mà còn là cơ sở để làm ĐTM ở 2 cụm mỏ còn lại trước khi ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
Cũng theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng, đa số mỏ đá trên địa bàn tỉnh được quy hoạch theo vùng, cụm. Mỏ khai thác đá sẽ được tạo thành hồ chứa nước lớn sau khi kết thúc khai thác. Do đó, việc thực hiện ĐTM cụm mỏ là cần thiết để đánh giá tác động tích lũy, cộng hưởng giữa các dự án. Từ đó có thể đưa ra các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ môi trường đồng bộ trong quá trình hoạt động và giải pháp cải tạo phục hồi môi trường theo vùng, cụm các mỏ sau khi kết thúc khai thác cho phù hợp.
GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường chia sẻ: “Hiện nay, các nước phát triển đều hạn chế KTKS và để dành tài nguyên cho tương lai. Tại Việt Nam, do nhu cầu về vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án giao thông rất lớn nên nhiều địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn đã quy hoạch, cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác đá, cát, đất hoạt động. Đồng Nai cũng vậy, địa phương quy hoạch, cấp phép nhiều dự án khoáng sản (chủ yếu khai thác đá). Vì các mỏ đá nằm sâu dưới lòng đất, muốn khai thác phải đào sâu 40-100m nên sau khi khai thác xong hầu hết không hoàn thổ được”.
Cũng theo GS-TSKH Lê Huy Bá, chính quyền Đồng Nai nên tính toán thật kỹ trong việc quy hoạch KTKS và nên có ĐTM tổng thể trước khi cấp phép dự án. Nên cân nhắc hạn chế quy hoạch cấp phép KTKS nếu thấy số tiền thu được từ hoạt động này thấp hơn số tiền tỉnh bỏ phải ra để xây dựng, sửa chữa đường sá xuống cấp do vận chuyển đất đá. Đó là chưa kể hàng ngàn ha đất bị mất đi vĩnh viễn và môi trường không khí bị ô nhiễm.
* Mạnh tay trong việc phục hồi môi trường
Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực KTKS trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ. Hằng năm, đoàn liên ngành của tỉnh, huyện đã tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất trong lĩnh vực KTKS, bảo vệ môi trường tại các mỏ. Tuy nhiên, vẫn còn các vi phạm cần phải chấn chỉnh, xử lý.
Theo UBND tỉnh, năm 2021, thu từ cấp quyền KTKS của tỉnh đạt gần 160 tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch đề ra và kế hoạch năm 2022, tỉnh sẽ thu khoảng 150 tỷ đồng. Đây là khoản thu không lớn so với các lĩnh vực khác của tỉnh nên nhiều người dân cho rằng, tỉnh nên xem xét hạn chế cấp phép KTKS để bảo vệ môi trường và dành tài nguyên cho tương lai. |
Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, để “siết” trách nhiệm bảo vệ, phục hồi môi trường của nhà đầu tư KTKS, trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo vệ môi trường và công tác cải tạo phục hồi môi trường tại các mỏ đá đang hoạt động theo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường được duyệt. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả việc thẩm định cấp giấy phép môi trường cũng như công tác kiểm tra, giám sát sau giấy phép theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Một số giải pháp khác là Sở sẽ tập trung để giảm mức độ ảnh hưởng của hoạt động KTKS đến môi trường và người dân như: theo dõi tiến độ thực hiện các hạng mục công trình xử lý bụi, yêu cầu các mỏ lắp đặt camera giám sát tải trọng và bụi tại các mỏ đá và tuyến đường dùng chung. Ngoài ra, tăng cường hoạt động quan trắc, kiểm soát nguồn phát tán bụi tại các cụm KTKS ở TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu, H.Thống Nhất. Yêu cầu các chủ mỏ phải phối hợp đầu tư đường cấp phối và hệ thống rửa xe chung để kết nối với đường chuyên dùng. Kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường các mỏ khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định.
Luật Khoáng sản quy định, trong thời gian 6 tháng kể từ ngày giấy phép KTKS hết hiệu lực, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 100-250 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện đầy đủ nội dung cải tạo theo phương án đã lập cho đến khi được xác nhận hoàn thành. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này quá nhẹ bởi chi phí cải tạo, phục hồi môi trường lớn hơn rất nhiều so với mức phạt.
Hơn nữa, luật quy định tiêu chí khắc phục, cải tạo chưa chặt. Chẳng hạn, quy định các mỏ sau khai thác để lại địa hình dạng hố mỏ thì thực hiện lấp đầy trả lại mặt bằng như mặt bằng trước đây nếu có thể hoặc tạo thành một hồ chứa nước, có đê bao ngăn súc vật vào; để lại địa hình khác dạng hố mỏ thì phục hồi bằng cách san gạt, tạo mặt bằng để phủ xanh hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Với quy định này, 100% nhà đầu tư sẽ chọn để lại địa hình dạng hố mỏ, chỉ làm đê bao.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Đồng Nai ngày càng siết chặt quản lý trong KTKS để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tỉnh đang yêu cầu các chủ mỏ phải thay đổi công nghệ, ứng dụng các kỹ thuật mới vào KTKS để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và người dân khu vực gần mỏ. Bên cạnh đó, tỉnh giao Sở TN-MT phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Trên cơ sở quy định của pháp luật, tỉnh sẽ có yêu cầu cụ thể về trách nhiệm tài chính, về nghĩa vụ môi trường với từng mỏ.
Hoàng Lộc - Hương Giang - Vi Lâm