Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới đây vào chiều 21-2, giá xăng trong nước có lần tăng thứ 4 từ đầu năm 2022 và lập kỷ lục mới trong nhiều năm qua. Theo đó, xăng E5 RON92 có giá bán tối đa 25.532 đồng/lít và xăng RON95 là 26.287 đồng/lít; giá các loại dầu cũng tăng từ 273-936 đồng/lít, kg.
Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới đây vào chiều 21-2, giá xăng trong nước có lần tăng thứ 4 từ đầu năm 2022 và lập kỷ lục mới trong nhiều năm qua. Theo đó, xăng E5 RON92 có giá bán tối đa 25.532 đồng/lít và xăng RON95 là 26.287 đồng/lít; giá các loại dầu cũng tăng từ 273-936 đồng/lít, kg.
Người tiêu dùng chọn mua các loại rau xanh, củ, quả tại chợ Biên Hòa. Ảnh: L.Phương |
Tương tự, từ đầu tháng 2-2022, giá gas bán lẻ cũng tăng 16 ngàn đồng/bình 12kg sau 2 lần giảm trước đó. Điều này khiến cho nhiều mặt hàng tiêu dùng dự kiến sẽ chịu nhiều tác động do chi phí vận chuyển, phát sinh… tăng cao.
* Gồng gánh các chi phí phát sinh
Khi giá các loại xăng, dầu, gas bán lẻ tăng cao sẽ gây ra hệ lụy tới đời sống thị trường, nhiều áp lực tới chi tiêu của người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) chia sẻ, hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa của HTX hiện gặp nhiều khó khăn, chưa hoạt động ổn định sau đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua. Trong đó, hoạt động xe buýt, xe tải khá ế ẩm. Các chi phí nhiên liệu, nhân công, lái xe… chiếm tỉ trọng lớn khoảng 80% trong chi phí vận hành của HTX. Do đó, khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây khiến cho tình hình hoạt động của HTX đã khó lại càng khó hơn. Do đó, HTX phải gồng gánh nhiều chi phí phát sinh để bù lỗ. Hơn thế nữa, xe đã vắng khách, ít người đi rồi nên giờ nếu có muốn tăng giá vé cũng khó vì nhu cầu đi lại, vận chuyển chưa cao.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Hỗ trợ công nghiệp Thành Công (TP.Biên Hòa) Đào Văn Hợp chia sẻ, giá xăng, dầu, gas tăng khiến cho hoạt động kinh doanh, cung ứng của công ty chịu nhiều tác động, cũng như khiến cho nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng. Thời gian gần đây, giá các loại nguyên liệu đầu vào, giá gas tăng khiến chi phí vận hành của công ty tăng khoảng 10-15%. Điều này khiến cho công ty phải chủ động cân đối các khoản phí vận hành, giảm lợi nhuận… để giữ giá đầu ra, đảm bảo duy trì cung ứng ổn định khoảng 10 ngàn suất ăn công nghiệp mỗi ngày.
Khảo sát tại nhiều chợ hạng 1, hạng 2 ở TP.Biên Hòa, từ sau Tết đến nay, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ giảm trong khi nhiều chi phí phát sinh, nhất là sau khi giá các loại xăng, dầu liên tục tăng cao.
Tại chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) - chuyên cung ứng sỉ các loại rau củ quả cho nhiều chợ bán lẻ ở khu vực, nhiều tiểu thương cho biết giá xăng, dầu tăng khiến cho nhiều chi phí vận chuyển thời gian qua tăng 20-30%. Điều này khiến cho nhiều mặt hàng phải tăng giá để bù lại chi phí vận chuyển…
Bà Trần Thị Ngọc Phấn, một tiểu thương kinh doanh các loại trái cây ở chợ Tân Biên cho biết: “Sạp chủ yếu nhập hàng từ các tỉnh miền Tây Nam bộ. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển tăng. Nếu như trước đây trung bình mỗi tấn hàng tôi phải trả 500 ngàn đồng tiền phí vận chuyển thì nay đã tăng lên 700 ngàn đồng. Mới đây, giá xăng tiếp tục tăng cao nên dự báo giá cước vận chuyển sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Trong khi đó, sức tiêu thụ lại giảm gần một nửa từ sau Tết, lượng hàng tiêu thụ của sạp giảm từ 2-2,5 tấn trái cây/ngày xuống chỉ còn hơn 1 tấn/ngày”.
Hoạt động cung ứng rau, củ, quả tại chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) |
Chị Lê Thị Như Hoa, chủ một sạp kinh doanh thủy, hải sản ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, từ sau Tết, nhu cầu tiêu thụ giảm khoảng 40% trong khi giá hàng hóa nhập về tăng từ 15-20 ngàn đồng/kg. Trong đó, nguyên nhân là do giá xăng dầu và nhiều chi phí vận chuyển tăng cao. Điều này khiến cho giá bán ra tăng theo, đơn cử như mực lên 250 ngàn đồng/kg, cá hường lên mức 100 ngàn đồng/kg, cá bạc má khoảng 100 ngàn đồng/kg…
* Lo ngại mặt bằng giá tiêu dùng tăng cao
Giá nhiều loại nguyên, vật liệu vẫn còn ở mức cao, cùng với giá các loại xăng, dầu, gas liên tục leo thang trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp đã tạo sức ép không nhỏ đến các tiểu thương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ…
Chị Phạm Thị Quyến, chủ một sạp kinh doanh rau củ quả ở chợ Tân Biên cho biết, giá xăng dầu tăng kéo theo giá cước vận chuyển tăng cao gần gấp rưỡi so với trước Tết. Điều này khiến nhiều mặt hàng phải tăng giá bán từ 1-2 ngàn đồng/kg để bù cho các chi phí phát sinh…
Giá xăng, dầu, gas tăng cao khiến cho người tiêu dùng lo ngại giá nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ có thể lập mặt bằng giá mới cao hơn, làm ảnh hưởng đến đời sống, chi tiêu hằng ngày. Điều này khiến nhiều gia đình buộc phải tính toán, thắt chặt chi tiêu…
Chị Ngọc Nhung (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, từ sau Tết đến nay, giá nhiều mặt hàng thực phẩm, nhất là các mặt hàng rau củ quả, hải sản… rục rịch tăng giá. Điều này khiến cho một người nội trợ như chị phải cân đối chi tiêu hằng ngày cho phù hợp, tần suất đi chợ cũng giảm hơn so với trước Tết.
Chị Trần Thị Thương, một tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Hóa An chia sẻ, từ đầu năm đến nay, sức mua cả về bán lẻ và bán sỉ cung ứng cho các quán ăn, quán cơm của sạp giảm nhiều. Nguyên nhân là nhiều gia đình, bà nội trợ thắt chặt chi tiêu do thu nhập bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh ăn uống cũng cân đối lại lượng hàng bán ra. Do đó, lượng thịt bán ra của sạp giảm gần một nửa so với trước đây.
Lam Phương