Chuyển đổi số (CĐS) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) tạo nên sự bứt phá, rút ngắn khoảng cách với DN các nước trên thế giới. Tuy nhiên, DN muốn tham gia CĐS cần có vốn đầu tư lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ. Với DN nhỏ và vừa thì đây là vấn đề không dễ thực hiện.
[links()]Chuyển đổi số (CĐS) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) tạo nên sự bứt phá, rút ngắn khoảng cách với DN các nước trên thế giới. Tuy nhiên, DN muốn tham gia CĐS cần có vốn đầu tư lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ. Với DN nhỏ và vừa thì đây là vấn đề không dễ thực hiện.
Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt (Khu công nghiệp Agtex- Long Bình, TP.Biên Hòa) cần nguồn lao động chất lượng cao để làm chủ máy móc, công nghệ sản xuất. Ảnh: Hương Giang |
Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là hướng đến nền sản xuất xanh và để thực hiện được mục tiêu này, các DN phải CĐS. Các DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đều có điểm chu ng là vốn ít nên rất khó khăn trong đầu tư máy móc, thiết bị để số hóa toàn bộ, tiếp đến là ứng dụng số hóa rồi mới đến CĐS.
* Nút thắt trong tìm vốn đầu tư
Hầu hết DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đều biết rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, nhưng rào cản lớn nhất vẫn là thiếu vốn để đầu tư. DN muốn thay đổi máy móc, thiết bị cho một dây chuyền sản xuất cần số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Với DN nhỏ và vừa thì việc huy động vốn, vay vốn ngân hàng rất khó khăn vì đòi hỏi các tiêu chí đi kèm như: phải có phương án sản xuất hấp dẫn mới thu hút được nhà đầu tư, còn vay vốn ngân hàng cần có tài sản thế chấp. Những đòi hỏi trên khiến nhiều DN nhỏ không đáp ứng được, dẫn đến lực bất tòng tâm.
Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành (H.Long Thành) kiêm Chi hội trưởng Chi hội DN công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai đánh giá: “Các DN nhỏ đều muốn đầu tư máy móc, thiết bị mới để có nhà máy ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Như vậy, hàng hóa sản xuất ra dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN nước ngoài. Thế nhưng, DN nhỏ đa số là thiếu vốn để đầu tư công nghệ nên phải làm từ từ theo từng giai đoạn, mất đi nhiều cơ hội trở thành nhà cung ứng cho nhiều DN lớn có vốn đầu tư trong nước, nước ngoài”.
Qua tìm hiểu, DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu có nhà máy đủ chuẩn, sản phẩm đảm bảo chất lượng, số lượng, mẫu mã, giá cạnh tranh rất thuận lợi trong liên kết bán sản phẩm cho các công ty ở Việt Nam và xuất khẩu. Vì 4 năm trở lại đây, DN rất chú trọng trong tìm nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do hưởng các ưu đãi về thuế quan. Nhất là trong gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19, việc mua bán, vận chuyển nguyên liệu khó khăn nên các DN đều ưu tiên tìm đối tác cung ứng nguyên liệu trong nước.
DN không thiếu cơ hội để mở rộng sản xuất, nhưng nút thắt nằm ở chỗ thiếu vốn để đầu tư cho công nghệ. Chính phủ có những chính sách hỗ trợ về tín dụng cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa nhưng số lượng tiếp cận được không nhiều. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đến cuối tháng 10-2021, cho vay DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 61,2 ngàn tỷ đồng, như vậy tính bình quân 1 DN chỉ vay khoảng 1,5 tỷ đồng (toàn tỉnh có hơn 40 ngàn DN nhỏ và vừa). DN khi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đa số đều phải vay vốn và để có một nhà máy hiện đại cần từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện khẳng định, hai vấn đề DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong CĐS cần được tháo gỡ là vốn, mặt bằng sản xuất. Nếu được tháo gỡ sớm, DN nhanh chóng khôi phục, mở rộng sản xuất, đóng nhiều cho ngành công nghiệp, ngân sách nhà nước.
* Cần nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngành công nghiệp khi tham gia CĐS, bên cạnh đòi hỏi đầu tư đồng bộ về công nghệ còn phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận và làm chủ máy móc hiện đại. Thời gian qua, nhiều DN sau khi đầu tư nhà máy hiện đại đã rất khó khăn trong việc tuyển chọn các lao động có tay nghề cao để quản lý, tham gia vào sản xuất. Nhiều công ty buộc phải tuyển dụng quản lý, lao động rồi trực tiếp đào tạo trong một thời gian mới đáp ứng được yêu cầu của các nhà máy.
Theo ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, các DN Hàn Quốc hiện đầu tư vào Đồng Nai hơn 7,1 tỷ USD và chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp. Dù thời gian qua xảy ra dịch bệnh Covid-19 nhưng đầu tư của Hàn Quốc vào Đồng Nai vẫn liên tục tăng. Các DN Hàn Quốc rất mong tỉnh hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề để khi các nhà máy hoàn thành có thể đi vào hoạt động.
Thời gian qua, một số hiệp hội, chi hội DN nước ngoài tại Đồng Nai đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để đào tạo, đặt hàng nguồn lao động chất lượng cao để đảm bảo cho các nhà máy sản xuất công nghiệp, nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những hạn chế của phát triển công nghiệp, CĐS và ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất. Đây cũng là rào cản trong quá trình tiến đến nền công nghiệp xanh.
Ông Masato Kataoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho hay: “Sau một thời gian đầu tư vào Đồng Nai hiệu quả, đầu năm 2021, công ty quyết định mở thêm nhà máy tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) có tổng vốn đăng ký 60 triệu USD. Nhà máy sản xuất các loại bao bì chất lượng cao để tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu với công suất khoảng 78 ngàn tấn sản phẩm/năm. Các dây chuyền sản xuất được lắp ráp máy móc hiện đại nên sẽ phải tuyển dụng những lao động có tay nghề cao”.
Khoảng 2-3 năm trở lại đây, khi làm việc với Đồng Nai các tổng lãnh sự, hiệp hội DN đều lưu ý Đồng Nai chú trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh. Các tập đoàn FDI sẵn sàng phối hợp với tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ để từng bước tham gia vào CĐS trên lĩnh vực công nghiệp hiệu quả.
Hương Giang
Bài 3: Không thể chậm trễ trong chuyển đổi số