Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra động thái siết nhập khẩu, kiểm dịch với trái cây Việt Nam với lý do lo ngại dịch bệnh Covid-19.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra động thái siết nhập khẩu, kiểm dịch với trái cây Việt Nam với lý do lo ngại dịch bệnh Covid-19. Gần nhất là tình trạng hàng trăm tấn thanh long của Việt Nam bị ùn tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) do chính quyền TP.Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu thanh long vì phát hiện trên bao bì bọc trái và thùng các-tông đựng hàng có virus SARS-CoV-2.
Chuối cấy mô của nông dân xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) sắp vào vụ thu hoạch đang lo xuất khẩu khó khăn. Ảnh: B.NGUYÊN |
Xuất khẩu giảm sút, thậm chí bị đình đốn đang là khó khăn chung của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản, cây công nghiệp của Đồng Nai như: rau quả, cà phê, tiêu, điều... cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
* Ùn ứ trái cây xuất khẩu
Trái thanh long nói riêng, nhiều mặt hàng trái cây tươi nói chung đang rơi vào cảnh bị ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc. Tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào ngày 13-9, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, từ tháng 7-2021 đến nay, xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng trái cây tươi có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh, trong đó chủ yếu do ảnh hưởng vì giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, thời gian qua, toàn tỉnh chỉ có 4/12 cửa khẩu đang hoạt động nên hạn chế khối lượng hàng hóa thông quan. Theo đó, mặt hàng xuất khẩu chính qua các cửa khẩu là trái thanh long đang xảy ra tình trạng bị ùn ứ.
Ngày 21-9, Phó thủ tướng LÊ VĂN THÀNH đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nội dung chỉ thị yêu cầu Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công tác đàm phán quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; chủ động cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử. |
Ông Thiệu so sánh, trung bình mỗi ngày có khoảng 1,4 ngàn xe chở nông sản có nhu cầu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhưng khả năng thông quan chỉ đạt 200 xe, trễ cả 7 ngày để giải quyết lượng xe tồn này; nhưng mỗi ngày lại có thêm hơn 200 xe tiếp tục về cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn ứ kéo dài gây thiệt hại rất lớn cho thương lái, doanh nghiệp. Trái cây, nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu chủ yếu không có hợp đồng thương mại nên dễ bị ép giá, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong tháng 8-2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8-2020 và giảm 22% so với tháng 7-2021. Trong đó, mặt hàng rau quả tươi thu hoạch có tính thời vụ với sản lượng lớn bị ảnh hưởng nặng nề từ nhiều tháng nay.
Đây cũng là nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay, nhiều loại cây ăn trái với diện tích trồng lớn, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu trên địa bàn tỉnh như: chuối, mít, thanh long, xoài… đều rơi vào cảnh khó khăn về đầu ra khi vào vụ thu hoạch xuất khẩu bị đình đốn bởi dịch Covid-19.
Ông Đoàn Trung Ngọc, chủ vựa thu mua, đóng gói thanh long xuất khẩu tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) cho biết, vài tháng trở lại đây, giá thanh long luôn ở mức thấp, có thời điểm giá bán như cho nhưng vẫn khó tìm được thương lái thu mua vì hầu như không đóng hàng xuất khẩu được. Gần đây, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc vừa tạm ngưng nhập mặt hàng này khiến đầu ra cho trái thanh long càng khó. “Đây là thời điểm các nhà vườn trồng thanh long đồng loạt thắp đèn làm trái vụ chuẩn bị cho thị trường xuất khẩu cuối năm. Nhưng dự báo thời gian tới, thị trường xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước vẫn khó khăn nên hiện nhiều nhà vườn không đầu tư vì lo càng làm càng lỗ” - ông Ngọc nói.
Theo các thương lái kinh doanh mặt hàng trái cây xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến nhiều loại trái cây xuất khẩu thường đứng ở mức giá cao rơi vào cảnh rớt giá, khó tiêu thụ. Theo đó, từ đầu năm đến nay, nhiều vùng sản xuất rơi vào cảnh xoài chín rụng đầy gốc không có người mua, mít bán chỉ một vài ngàn đồng/kg...
* Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 16-9, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình chỉ ra những khó khăn, từ tháng 4 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc liên tục giảm, mỗi tháng giảm trung bình đến 15%. Nếu như trước đây 1 xe lạnh chở thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây chỉ mất 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần làm cho chi phí vận chuyển tăng cao gấp đôi, từ 50 triệu đồng/xe tăng lên hơn 100 triệu đồng/xe. Dù các bộ, ngành, địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc, thông tin mới nhất là Trung Quốc đã mở lại các cửa khẩu tại Vân Nam cho chuối, thanh long Việt Nam. Nhưng những sự việc tương tự như vậy còn tiếp tục xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam cũng như bản thân các doanh nghiệp.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của nhiều mặt hàng rau, trái cây nhưng nhiều loại nông sản chủ lực, có lợi thế vẫn chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch, mở cửa thị trường về kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, manh mún thông qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới” với nhiều rủi ro.
Chỉ ra vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu bắt đầu từ tháng 8 do ách tắc ở tất cả các khâu từ thu hoạch đến vận chuyển, chế biến, xuất khẩu. Ở đây, nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng trên vẫn rất lớn, cần tháo gỡ ngay, nhất là ách tắc trong khâu vận chuyển. Ngoài ra, việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề như doanh nghiệp, thương lái Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào các chợ, buôn bán không hợp đồng nên các quy ước quốc tế không có hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp Thái Lan mượn cửa khẩu Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc rất nhiều, rất thuận lợi theo đường chính ngạch. Doanh nghiệp Việt Nam nếu vẫn chậm trong việc chuyển sang xuất khẩu kênh chính ngạch thì tình trạng ách tắc, ùn ứ nông sản trong thông quan vẫn tiếp tục xảy ra.
Bình Nguyên