Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn trong tỉnh, những hình thức, dịch vụ 'đi chợ hộ' được nhiều người dân lựa chọn để hạn chế ra đường, tập trung đông người, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn trong tỉnh, những hình thức, dịch vụ 'đi chợ hộ' được nhiều người dân lựa chọn để hạn chế ra đường, tập trung đông người, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Shipper của một ứng dụng giao hàng công nghệ tiến hành “đi chợ hộ” theo đơn đặt hàng của khách hàng tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương |
* Shipper kiêm người “đi chợ hộ”
Hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa, hoạt động của các shipper (người vận chuyển hàng hóa) đang là một kênh kết nối cung - cầu trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, nhiều shipper còn kiêm luôn công việc “đi chợ hộ” cho người dân có nhu cầu trong giai đoạn này bên cạnh các shipper truyền thống.
Các shipper này thường nhận giao các đơn hàng trên cùng tuyến đường hoặc khu dân cư để giúp việc giao hàng được thuận tiện và đảm bảo các yêu cầu về khai báo y tế, xuất trình giấy tờ liên quan ở các chốt kiểm soát phòng dịch.
Theo văn bản mới đây của UBND tỉnh về tăng cường kiểm soát việc tham gia lưu thông, di chuyển giữa các vùng trong lộ trình trở lại trạng thái “bình thường mới”, UBND tỉnh yêu cầu Sở GT-VT tiếp tục thực hiện việc cấp, quản lý giấy nhận diện phương tiện luồng xanh có mã QR; phối hợp Sở Công thương cấp mã QR đối với shipper (shipper chỉ được hoạt động trên phạm vi một huyện, thành phố); danh sách phương tiện luồng xanh có mã QR và shipper gửi Công an tỉnh để phục vụ theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. |
Anh Vũ Nam, nhân viên giao hàng của ứng dụng Shopee Food (tên gọi mới của ứng dụng Now) cho hay, anh đang nhận “đi chợ hộ” và giao các đơn hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân. Anh chỉ hoạt động ở khu vực nội ô TP.Biên Hòa, trong đó giao nhận hàng ở các chốt ngoài khu vực phong tỏa, vùng xanh... “Trung bình mỗi ngày tôi giao được khoảng 5-8 đơn hàng, chủ yếu là các đơn từ siêu thị, cửa hàng nhu yếu phẩm... Trong quá trình hoạt động, tôi luôn tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và giao nhận, thanh toán bằng các hình thức không tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo khung giờ hoạt động của shipper…” - anh Nam chia sẻ.
Nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng linh động triển khai các dịch vụ đặt hàng online, triển khai các tổ, nhóm nhân viên “đi chợ hộ” rồi giao hàng cho khách đặt mua hoặc hẹn giờ để khách hàng trực tiếp đến lấy hàng theo các khung giờ phù hợp.
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, nhu cầu đặt hàng thông qua dịch vụ “đi chợ hộ” ngày càng tăng cao trong thời gian qua. Trung bình mỗi ngày, siêu thị nhận khoảng 100 đơn hàng. Siêu thị đã thành lập, phân chia các tổ nhân viên “đi chợ hộ” và giao hàng cho khách hàng đặt mua hàng trên ứng dụng Saigon Co.op.
Trên thực tế, theo đại diện nhiều siêu thị, các shipper, những dịch vụ “đi chợ hộ” nhận được nhiều quan tâm của người dân. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp khách hàng mặc dù đã đặt và xác nhận đơn hàng nhưng khi giao tới nơi lại “bom” hàng không nhận hoặc tắt điện thoại không liên lạc được. Điều này làm tốn nhiều thời gian, công sức cho lực lượng cung ứng, soạn và giao nhận hàng hóa, nhất là khi nguồn nhân sự hiện vẫn còn mỏng, gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh.
* Chủ động đảm bảo cung ứng hàng hóa và phòng, chống dịch
Đại diện Big C Tân Hiệp cho hay, siêu thị đang áp dụng nhiều hình thức đặt hàng qua Zalo, ứng dụng trên điện thoại. Sau đó, nhân viên siêu thị sẽ “đi chợ hộ” theo đơn hàng khách yêu cầu và giao hàng cho khách hàng hoặc liên hệ hẹn giờ để khách hàng đến siêu thị lấy hàng và thanh toán theo khung giờ phù hợp, hạn chế hiện tượng quá tải nhân viên giao hàng, shipper…
Trung bình mỗi ngày siêu thị nhận khoảng 100 đơn hàng. Khi số lượng đơn hàng tăng cao đột biến, siêu thị sẽ tạm đóng ứng dụng đặt hàng để giải quyết xong những đơn hàng khách đã đặt rồi mới nhận đơn hàng mới, tránh trường hợp quá tải, ùn ứ đơn hàng.
Tương tự, ông Trần Đình Quyền, Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa chia sẻ, siêu thị chủ động bố trí nhân viên soạn hàng trước cho khách hàng đặt thông qua các ứng dụng, kênh đặt hàng trực tuyến của siêu thị. Sau đó, siêu thị sẽ liên hệ với khách hàng sắp xếp đến lấy hàng vào ngày, giờ cụ thể.
Anh Vũ Nam chia sẻ thêm: “Hiện lực lượng shipper của ứng dụng đã được sắp xếp tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, các shipper đều phải xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần, đồng thời khi lưu thông trên đường phải mang theo đầy đủ giấy thông hành, mã QR dán trước xe, mẫu đăng ký nhận diện shipper theo quy định của các cơ quan chức năng mới có thể đi giao hàng. Tôi mong lực lượng shipper sẽ sớm được tiêm vaccine mũi 2 và Đồng Nai kiểm soát được dịch bệnh để các quy định khi đi giao, nhận hàng hóa trở nên thông thoáng hơn”.
Mới đây, Sở Công thương đã có văn bản về việc triển khai phục hồi hoạt động kinh doanh tại siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích, cơ sở, điểm cung ứng dịch vụ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Theo đó, Sở Công thương đề nghị các cơ sở kinh doanh nói trên cần nghiên cứu, triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K; thường xuyên thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và cập nhật thông tin lên hệ thống antoancovid.vn…
Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát mật độ người vào cơ sở kinh doanh đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19, giữ khoảng cách an toàn theo quy định; bố trí và chỉ định khu vực giao nhận hàng hóa, hạn chế tiếp xúc giữa người giao hàng và người nhận hàng…
Lam Phương