Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức lớn trong duy trì chuỗi sản xuất

09:09, 07/09/2021

Từ đầu tháng 7-2021, cả ngàn doanh nghiệp (DN) trong các KCN tại Đồng Nai đã thực hiện cho người lao động lưu trú tại công ty để duy trì sản xuất. Qua nhiều tuần thực hiện phương án "3 tại chỗ", nhiều DN gặp trở ngại vì thiếu nguyên liệu, lao động, đầu ra...

Từ đầu tháng 7-2021, cả ngàn doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai đã thực hiện cho người lao động lưu trú tại công ty để duy trì sản xuất. Qua nhiều tuần thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhiều DN gặp trở ngại vì thiếu nguyên liệu, lao động, đầu ra..., khó duy trì sản xuất.

Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang cố gắng duy trì sản xuất
Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang cố gắng duy trì sản xuất. Ảnh:K.Minh

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, dự tính ban đầu của các DN sẽ thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” trong khoảng 15-20 ngày để đảm bảo hoạt động sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho đối tác. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ tư diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh khiến Đồng Nai kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến ngày 15-9-2021, nhiều DN đành bất đắc dĩ thực hiện các phương án “3 tại chỗ” từ 55-65 ngày.

* Cố gắng duy trì sản xuất

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1,6 ngàn DN tham gia sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp tại 31 KCN. Vào đầu tháng 7-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, DN chọn phương án cho lao động lưu trú ở công ty để duy trì hoạt động. Tính đến cuối tháng 7-2021, có gần 1,2 ngàn DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và cùng lúc thực hiện kết hợp cả hai phương án trên được chấp thuận. Thế nhưng, vì thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên nhiều DN đã xin tạm dừng hoạt động vì không đủ khả năng duy trì sản xuất. Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã chấp thuận cho hơn 50 DN tạm dừng hoạt động.

Sau đó, do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng, Đồng Nai thực hiện chính sách xét nghiệm trên toàn tỉnh để bóc tách những ca F0 ra khỏi cộng đồng, yêu cầu các DN tạm thời vận động người lao động ở lại nhà máy để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch. Vì không có sự chuẩn bị trước để lưu trú người lao động tại công ty với khoảng thời gian dài nên nhiều DN rơi vào thế bị động.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (ở KCN Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khoảng 95% sản phẩm giày dép của công ty tiêu thụ ở thị trường nội địa nên giãn cách xã hội ở những tỉnh, thành phía Nam làm cho hoạt động kinh doanh của công ty gần như dừng lại. Tuy nhiên, để đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, công ty đã bố trí cho 1.116 người lao động ở lại nhà máy để làm việc, dự tính thời gian khoảng 20 ngày, nhưng hiện đã kéo dài đến 60 ngày khiến DN rất khó khăn”. Theo bà Thu, vì đầu ra bị thu hẹp nên hàng hóa sản xuất ra tạm thời lưu trữ tại các kho. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội dài ngày, nhiều nhà máy ở TP.HCM, tỉnh Bình Dương ngưng sản xuất khiến DN thiếu nguyên liệu đầu vào.

Tương tự, hàng trăm DN trong các KCN tại Đồng Nai đang cố gắng duy trì sản xuất và công suất hiện chỉ đạt 25-60% so với dịp đầu năm, nhưng vẫn rất chật vật.

* Nhiều DN xin dừng phương án “3 tại chỗ”

Sản xuất công nghiệp là chuỗi liên kết giữa các DN tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác. Do đó, nhiều nhà máy ở khu vực phía Nam phải tạm dừng hoạt động vì không đảm bảo được phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc xuất hiện ca F0 đã làm cả chuỗi sản xuất bị đình trệ trong việc tìm nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra để vận hành.

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) cho biết: “Nhà máy tại Đồng Nai của công ty có 70 lao động đang làm việc nên khi giãn cách xã hội đã đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”. Do thời gian giãn cách dài, công ty gặp rất nhiều vướng mắc trong tìm nguyên liệu đầu vào, vận chuyển hàng hóa”.

Hiện nhiều DN trong KCN đã đề xuất với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai xin cho dừng phương án “3 tại chỗ” vì đã hết nguyên liệu, đơn hàng để sản xuất. Bên cạnh đó, cũng có DN xin giảm số lao động đang lưu trú tại nhà máy vì nhiều người lao động muốn trở về gia đình.

Theo ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện đã có nhiều DN đề nghị được tạm dừng phương án “3 tại chỗ” do hết đơn hàng. Các DN trên đang gặp vướng mắc lớn mong UBND tỉnh sớm tháo gỡ, đó là người lao động không có việc làm nhưng hằng ngày vẫn phải ở lại nhà máy, chưa được trở về địa phương; có một số trường hợp bức xúc, kích động đánh bảo vệ và trốn ra khỏi nơi lưu trú tập trung của DN, gây bất ổn cho tình hình an ninh trật tự của KCN, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Vấn đề các DN mong muốn nhất hiện nay là ưu tiên và đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động trong các nhà máy để sau ngày 15-9-2021, hết giãn cách xã hội có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khánh Minh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích