Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

03:09, 07/09/2021

Giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương của Đồng Nai đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia.

Giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương của Đồng Nai đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia.

Nhờ hình thành được chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu chuối cấy mô, HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) vẫn ổn định sản xuất trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: B.Nguyên
Nhờ hình thành được chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu chuối cấy mô, HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) vẫn ổn định sản xuất trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: B.Nguyên

Trong những nhiệm vụ trọng tâm để đạt huyện NTM nâng cao có: cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

* Vẫn giữ mục tiêu cao

Để hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM nâng cao, các địa phương phải có ít nhất 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, việc đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các xã về đích NTM nâng cao của Đồng Nai vẫn hoàn thành tốt các tiêu chí đề ra. Ấn tượng nhất là tiêu chí phát triển kinh tế và thu nhập của người dân nông thôn vẫn đạt mức cao. Điều này thể hiện rõ trong việc thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao của 5 xã đang đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý II-2021 gồm: Cây Gáo, Sông Thao (H.Trảng Bom); Phú Tân (H.Định Quán); Phú Lâm (H.Tân Phú) và Xuân Trường (H.Xuân Lộc).

 Theo đánh giá của Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, qua thẩm định, các xã đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý II-2021 đều có sự phát triển, thay đổi tích cực, thể hiện rõ sự nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình sau đạt chuẩn NTM. Kết quả đạt được rõ nét trên các mặt: hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, trường học đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới. Trong đó, sản xuất phát triển mạnh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. “Ấn tượng nhất là thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của các xã trên đều đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung nông thôn toàn tỉnh là 59,6 triệu đồng/người/năm” - ông Lê Văn Gọi nói.

Ngay cả những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa về đích trong xây dựng NTM nâng cao cũng đạt mục tiêu cao trong việc không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Cụ thể như xã Phú Lâm (H.Tân Phú) có thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 68,5 triệu đồng, tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2019. Diện mạo cảnh quan môi trường nông thôn của xã có nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu, tiêu chí được giữ vững.

* Phát huy chuỗi liên kết trong khó khăn

Từ khi Luật Quy hoạch chính thức có hiệu lực vào năm 2019, ngành Nông nghiệp không còn quản lý theo quy hoạch “trồng cây gì, nuôi con gì” ở các địa phương mà thay vào đó để thị trường tự điều tiết. Mỗi nông dân, mỗi tổ chức sản xuất nông nghiệp phải chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay có tính chất định hướng sản xuất và được xây dựng dựa trên nghiên cứu về thế mạnh đất đai; thổ nhưỡng; thế mạnh phát triển của từng loại cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là nhu cầu của thị trường.

Tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở từng địa phương; đặc biệt ưu tiên gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỉnh chú trọng phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực đảm bảo tiêu chuẩn “cây, con 4 có”: có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao. Các sản phẩm cây, con chủ lực có giá trị kinh tế cao được sắp xếp và hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Trong đó, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ không ngừng được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong giai đoạn thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) chia sẻ, dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ của các sản phẩm chế biến giảm mạnh. Nhưng HTX vẫn duy trì ổn định sản xuất, đồng thời đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm mới là bẹ chuối khô vốn là phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Dòng sản phẩm mới này đang được nhiều đối tác từ Nhật Bản, châu Âu rất quan tâm, muốn hợp tác để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, không chỉ 70ha chuối cấy mô của các xã viên HTX không lo đầu ra mà HTX sẵn sàng mở rộng liên kết, bao tiêu với nông dân trồng chuối tại địa phương.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích