Bên cạnh thế mạnh phát triển khu công nghiệp, Đồng Nai cũng có nhiều tiềm năng đầu tư cụm công nghiệp (CCN) để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào hoạt động tập trung, nhất là các địa phương thuộc khu vực 2, nông thôn, miền núi.
Bên cạnh thế mạnh phát triển khu công nghiệp, Đồng Nai cũng có nhiều tiềm năng đầu tư cụm công nghiệp (CCN) để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào hoạt động tập trung, nhất là các địa phương thuộc khu vực 2, nông thôn, miền núi.
Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Tân An, H.Vĩnh Cửu là một trong những cụm công nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Ảnh: V.GIA |
Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng CCN thời gian qua rất chậm, từ đó kéo theo cơ cấu giá trị, tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ở những địa phương này xuống thấp so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn thông qua việc đầu tư hạ tầng các CCN được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng.
* Tỉ trọng giá trị công nghiệp tại một số địa phương còn thấp
Trên địa bàn tỉnh hiện đã quy hoạch 27 CCN với tổng diện tích gần 1,5 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp dùng cho thuê khoảng 942ha. Trong đó, có 16 CCN (diện tích 922ha) đã có 190 dự án thứ cấp hoạt động hiện hữu, tỷ lệ lấp đầy diện tích 63,3%, chiếm tỷ lệ 36,92% tổng diện tích đất dành cho thuê của cả 27 CCN đã được phê duyệt.
Việc hình thành các CCN góp phần tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để bố trí di dời các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư vào CCN tập trung. Đặc biệt, các CCN cũng góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại những địa phương khu vực nông thôn chưa có nhiều điều kiện để xây dựng khu công nghiệp.
Những năm qua, thế mạnh về công nghiệp của Đồng Nai chủ yếu tập trung tại các địa phương vùng 1 là: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Khu vực vùng 2 gồm: Long Khánh, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ còn chưa như kỳ vọng. Ở những địa phương này, Đồng Nai khuyến khích phát triển công nghiệp gắn liền với nông nghiệp như: chế biến nông sản, thực phẩm, các ngành nghề có tiềm năng sử dụng lao động địa phương để giải quyết việc làm dôi dư. Ngoài ra, những ngành nghề truyền thống, cơ khí phục vụ nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp cũng là mục tiêu để đầu tư.
Kỳ vọng là thế, song một thực tế là kết quả thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 cho thấy sản xuất công nghiệp ở vùng 2 chỉ chiếm 5,75% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, Cẩm Mỹ là địa phương có tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp thấp nhất do hạ tầng công nghiệp không phát triển. Tại địa phương này, hạ tầng khu, CCN chưa được triển khai xây dựng.
Tương tự, các huyện: Tân Phú, Định Quán hay Xuân Lộc cũng mới chỉ có 1-2 khu, CCN nên mức độ tập trung công nghiệp ở những địa phương này rất thấp. Các cơ sở công nghiệp số lượng ít, lại có quy mô nhỏ, phân tán vào các khu dân cư, triển vọng tích tụ, tập trung để kết nối, phát triển một cách đồng bộ là rất khó khăn nếu không có giải pháp tháo gỡ.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, khó khăn nhất hiện nay của việc phát triển CCN là thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Sự gia tăng nhanh chóng của giá đất trên địa bàn tỉnh cùng với đó là các chi phí khác cũng như không thật sự thuận lợi về giao thông nên mức độ quan tâm của doanh nghiệp (DN) không nhiều. Một số dự án được đăng ký, song qua nhiều năm triển khai rất chậm.
* Góp phần phát triển đa dạng kinh tế nông thôn
Để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo lãnh thổ, định hướng của Đồng Nai trong chuyển dịch công nghiệp về vùng nông thôn nhằm mục tiêu nâng giá trị sản xuất ngày càng gia tăng trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong đó tính toán tới quy hoạch thêm các khu, CCN ở các địa phương khu vực nông thôn còn nhiều quỹ đất, gắn liền với sự phát triển của hạ tầng giao thông. Đồng thời, tạo sự sẵn sàng về mặt bằng sản xuất cho việc đón nhận làn sóng đầu tư mới của những năm tiếp theo.
Song song đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện các hạng mục. Hình thành các CCN chuyên ngành về sản xuất, chế biến nông sản - thực phẩm để thu hút DN thứ cấp vào xây dựng nhà máy sản xuất.
Riêng đối với thu hút DN đầu tư vào vùng nông thôn là sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp giá trị công nghệ cao và góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Khi mức độ thu hút đầu tư CCN không được DN quan tâm nhiều như khu công nghiệp thì phải có giải pháp để hỗ trợ. Để từng bước thực hiện nội dung trên, Đồng Nai đã ban hành nghị quyết về chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển CCN do ngân sách địa phương đảm bảo trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, sẽ hỗ trợ ứng vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng CCN, hỗ trợ chỉnh trang cơ sở hạ tầng các CCN đã lấp đầy trên 50% diện tích đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường... Dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ phấn đấu thu hút, hỗ trợ đầu tư hạ tầng được từ 5-7 CCN, khuyến khích các chủ đầu tư triển khai nhanh xây dựng hạ tầng, tạo mặt bằng cho DN thứ cấp kinh doanh ổn định, góp phần phát triển kinh tế công nghiệp ở các địa phương khu vực nông thôn.
Một trong những giải pháp để tạo sự đồng bộ và sức thu hút cho phát triển CCN ở nông thôn là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, kết nối với các trục chính sẽ mở rộng không gian phát triển, trên cơ sở đó phát triển các khu, CCN và thu hút nhiều hơn DN về các địa phương vùng nông thôn cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách mới để DN yên tâm phát triển.
Văn Gia