Báo Đồng Nai điện tử
En

'Giải cứu' nông sản giúp dân

10:09, 22/09/2021

Thời gian qua, do dịch bệnh phức tạp, nhiều loại rau củ quả, gia súc, gia cầm gặp khó khăn về đầu ra. Trước thực tế đó, UBND H.Cẩm Mỹ đã chỉ đạo các xã nắm bắt tình hình, Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ xây dựng phương án hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Thời gian qua, do dịch bệnh phức tạp, nhiều loại rau củ quả, gia súc, gia cầm gặp khó khăn về đầu ra. Trước thực tế đó, UBND H.Cẩm Mỹ đã chỉ đạo các xã nắm bắt tình hình, Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ xây dựng phương án hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

H.Cẩm Mỹ còn tồn đọng gần 300 tấn củ sắn cần “giải cứu”. Trong ảnh: Nông dân xã Xuân Tây thu hoạch củ sắn. Ảnh: H.Lộc
H.Cẩm Mỹ còn tồn đọng gần 300 tấn củ sắn cần “giải cứu”. Trong ảnh: Nông dân xã Xuân Tây thu hoạch củ sắn. Ảnh: H.Lộc

Sau thời gian vào cuộc của các ngành chức năng, tình trạng ùn ứ nông sản trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể.

* Gần 3 ngàn tấn nông sản được hỗ trợ tiêu thụ

H.Cẩm Mỹ là địa phương sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh các loại cây công nghiệp và cây ăn quả theo mùa vụ, huyện có nhiều vùng chuyên canh các loại rau củ quả quy mô lớn tại các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Xuân Bảo; vùng nuôi cá nước ngọt tập trung ở xã Sông Ray; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy hoạch. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phương tiện vận tải đi lại khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm nên nhiều loại nông sản ngắn ngày gặp khó khăn về đầu ra.

Bà Nguyễn Thị Điệp, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ cho biết, các mặt hàng như heo, gà đẻ trứng chăn nuôi theo quy mô trang trại do doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết với nông dân thì đầu ra tương đối thuận lợi. Các mặt hàng rau củ quả, cá nước ngọt, gia súc, gia cầm chăn nuôi quy mô nhỏ gặp khó khăn về đầu ra.

Tính đến ngày 21-9, H.Cẩm Mỹ đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ được 2.860/3.360 tấn nông sản. Trong đó, củ sắn hơn 2,2 ngàn tấn; rau củ quả các loại 258 tấn; 85 tấn dưa leo; 74 tấn gà, vịt; gần 40 tấn heo… Hiện còn khoảng 500 tấn nông sản các loại cần hỗ trợ tiêu thụ gồm: 290 tấn củ sắn, gần 200 tấn dê, 6 tấn cá, 5 tấn bưởi. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu mua nông sản liên hệ với Phòng NN-PTNN H.Cẩm Mỹ qua số điện thoại đường dây nóng 0981.457.473 (bà Nguyễn Thị Điệp).

Trước thực tế đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nắm bắt tình hình nông sản tại địa phương; bố trí lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch. Phòng NN-PTNT lập đường dây nóng và xây dựng phương án kết nối với các đoàn thiện nguyện, đơn vị quốc phòng, doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp và Sở NN-PTNT tìm đầu ra cho nông sản. Thông qua hình thức này, đã có 10 thương lái địa phương, 4 lò mổ, 1 HTX, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cung ứng nông sản Đà Lạt Hb Farm và nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ huyện tiêu thụ gần 3 ngàn tấn nông sản. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng rau củ quả, gia súc, gia cầm.

Bà Trương Thị Kim Nương, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện chia sẻ thêm, thời gian đầu huyện nắm bắt thông tin qua chính quyền xã, rồi thông qua các mối quan hệ, Zalo, Facebook đăng tải thông tin và kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Khi có đơn vị đặt hàng, huyện báo về xã huy động lực lượng dân quân, thanh niên, phụ nữ giúp dân thu hoạch nông sản. Sau đó, Phòng NN-PTNT lập số điện thoại đường dây nóng trực tiếp tiếp nhận thông tin của người dân.

“Sở NN-PTNT cũng có số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhưng do nhiều địa phương trong tỉnh cần hỗ trợ nên nông sản “giải cứu” trên địa bàn huyện chủ yếu thông qua Phòng NN-PTNT” - bà nương cho hay.

Bí thư Huyện đoàn Cẩm Mỹ Trần Hưng Sơn cho biết, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, Huyện đoàn chỉ đạo Đoàn thanh niên các xã, thị trấn cử lực lượng thu hoạch nông sản khi người dân có nhu cầu, hỗ trợ khâu vận chuyển. Ngoài ra, Đoàn thanh niên các cấp cũng kết nối với các cá nhân, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện thu mua nông sản cho bà con.

* “Khó khăn đầu ra, gọi Phòng NN-PTNT”

Theo Phòng NN-PTNT huyện, thời điểm hiện tại Cẩm Mỹ đã từng bước mở cửa khôi phục sản xuất, kinh doanh nên hoạt động giao thương nông sản sẽ thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, nếu nông dân vẫn gặp khó khăn về đầu ra nông sản cứ gọi đến đường dây nóng của huyện hoặc báo chính quyền xã. Phòng NN-PTNT huyện vẫn đang kết nối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ hàng chục tấn nông sản mỗi ngày.

Thông qua sự vào cuộc của địa phương, tình trạng ùn ứ nông sản vẫn còn nhưng không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Mẽ (xã Xuân Quế) chia sẻ, trung bình mỗi tháng ông cắt 2-3 tấn bưởi da xanh. Trước dịch bệnh, có bao nhiêu thương lái cắt bấy nhiêu, bưởi chỉ phân làm 2 loại, giá bình quân trên 25 ngàn đồng/kg. Nhưng từ tháng 7 đến nay, 5-7 ngày thương lái mới quay lại cắt bưởi, mỗi lần chỉ cắt 2-3 tạ. Bưởi loại nhất chỉ chiếm khoảng 30%, có giá 12 ngàn đồng/kg; bưởi loại 2 còn 5-7 ngàn đồng/kg; bưởi dạt chiếm đến 30% và giá chỉ 3 ngàn đồng/kg.

“Tết Trung thu nhưng bưởi tiêu thụ rất chậm. Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng giảm mua sắm. Thêm vào đó, chốt chặn nhiều, tiểu thương đi lại khó khăn nên họ cũng không cắt bưởi nhiều. Cũng may loại quả này còn “neo” được trên cây cả tháng, nhiều loại cây ăn trái như: mít, sầu riêng chín không thu hoạch kịp phải vứt bỏ” - ông Mẽ chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bảo cho biết, thời gian qua, Phòng NN-PTNT và các đoàn thể đã kết nối hỗ trợ xã tiêu thụ củ sắn và thanh long. Mỗi khi có đối tác đặt hàng, xã huy động lực lượng giúp dân thu hoạch, bốc xếp hàng lên xe. Tuy nhiên, do sản lượng nhiều nên còn khoảng 100 tấn củ sắn bị ùn ứ. Xã rất mong các ngành chức năng huyện tiếp tục kết nối, hỗ trợ đầu ra cho củ sắn. “Củ sắn đến kỳ thu hoạch nhổ sớm ngày nào tốt ngày đó, để lâu sẽ bị khô. Giá cả mùa dịch phải chấp nhận mức thấp, đây là tình trạng chung” - ông Bình chia sẻ.

Theo Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ, đa phần nông sản phải “giải cứu” là diện tích trồng, nuôi không theo khuyến cáo của huyện. Ví dụ như: vùng nuôi cá mở rộng xã Sông Ray, vùng trồng củ sắn ở xã Xuân Tây, các trang trại chăn nuôi gia cầm. Thời gian tới, phòng tiếp tục theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản; đánh giá và khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây hoa màu theo hướng tăng diện tích rau ăn quả, giảm diện tích rau ăn lá, củ đậu để hạn chế áp lực thời vụ thu hoạch, khó bảo quản.

 Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích