Chế biến gỗ là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam. Tiếp đà tăng trưởng những năm trước, nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ tiếp tục đạt những con số ấn tượng.
Chế biến gỗ là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam. Tiếp đà tăng trưởng những năm trước, nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ tiếp tục đạt những con số ấn tượng. Tuy nhiên, từ tháng 7, nhất là trong tháng 8, ngành gỗ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải tạm ngưng sản xuất để chống dịch.
Sản xuất gỗ tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia |
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh. Các DN trong ngành đang rất kỳ vọng dịch bệnh Covid-19 sớm được kiềm chế và tình hình sản xuất từng bước trở lại ổn định trong những tháng cuối năm.
* Xuất khẩu sụt giảm
Bước vào năm sản xuất 2021, ngành gỗ được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP… đã tác động tích cực đến các mặt hàng xuất khẩu nói chung, xuất khẩu gỗ nói riêng. Kết quả là nửa đầu năm, sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ đạt những con số ấn tượng. Ngay từ đầu năm, các DN trong ngành nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác, có nhiều đơn hàng, hợp đồng dài hạn. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 8,21 tỷ USD.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các DN, nhất là tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, khu vực có hơn 70% DN ngành gỗ và gần 80% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8 đối với 360 DN tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, có trên 50% DN dừng sản xuất. Các DN còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường. Về giá trị xuất khẩu, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trong 3 tháng gần đây, trị giá xuất khẩu đã giảm đáng kể. Trong đó, tháng 8 giảm hơn 22% so với tháng 7.
Trong bối cảnh khó khăn, điều quan trọng hiện nay là DN áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ nhằm cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân khách hàng, tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, gây rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm trong tương lai. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng cho việc phục hồi một cách tốt nhất khi bệnh dịch được kiểm soát. |
Tại Đồng Nai, số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, 8 tháng của năm 2021, sản phẩm gỗ có giá trị xuất khẩu tăng 46,98% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, những tháng gần đây, xuất khẩu đã sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động hoặc chia ca sản xuất. Tính riêng trong tháng 8, xuất khẩu sản phẩm gỗ giảm 18,38% so với tháng 7.
Theo ông Lê Xuân Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, các DN trong hiệp hội hiện nay đang hoạt động cầm chừng. Tại DN của ông (Công ty CP Nội thất và kiến trúc Nano) có hơn 700 lao động cũng đang phải tổ chức cho 300 công nhân ăn ở lại tại nhà máy để sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nên nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn rất cao. Nguy cơ tiếp tục sụt giảm sản lượng sản xuất cũng như đơn hàng giao cho các đối tác hiện hữu ngày càng rõ. Đó là chưa kể nếu kéo dài quá lâu sẽ có thể bị đối tác chấm dứt hợp đồng, hủy đơn hàng chuyển sang các quốc gia khác.
* Mong từng ngày phục hồi sản xuất
Ngành gỗ là một trong những ngành sản xuất còn thâm dụng nhiều lao động nhất hiện nay, bởi số lượng lao động đông nên trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều DN buộc phải ngừng hoạt động tạm thời. Khi mức độ phủ vaccine tăng lên, DN đang rất mong ngóng ngày trở lại trạng thái “bình thường mới” để được tiếp tục sản xuất.
Là DN nằm trong diện phong tỏa, ông Phạm Văn Sinh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) cho hay, công ty đã tạm dừng sản xuất 2 tháng. Khó khăn ngày càng chồng chất, các đơn hàng với đối tác phải tạm ngưng, trong khi tiền lương cho người lao động và công nợ vẫn phải đảm bảo. “Chúng tôi phải nỗ lực gồng gánh suốt những tháng vừa qua. Hiện một số lao động của công ty đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng DN vẫn chưa hoạt động trở lại được” - ông Sinh cho hay.
Theo các DN, khi chậm trễ hoặc không nhập được nguyên phụ liệu sản xuất, nguy cơ đứt quãng hay phải dừng sản xuất có thể xảy ra. Nguyên liệu nhập về khó, hàng xuất đi cũng càng khó khăn. Đó là chưa kể việc sản xuất thường theo dây chuyền mà DN lại buộc phải tiết giảm tối đa nhân công trên từng ca kíp, chỉ cần một hệ thống máy móc hỏng hoặc công đoạn sản xuất nào đó có vấn đề là ngay lập tức bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tác động tiêu cực đến xuất khẩu gỗ, một ngành sản xuất có mức độ hội nhập rất sâu.
Toàn ngành gỗ đang kỳ vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý IV-2021. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho những tháng còn lại.
Theo kịch bản 1, kim ngạch xuất khẩu trong thời gian còn lại của quý III tiếp tục giảm như hiện nay và quý IV sẽ bắt đầu hồi phục, đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của quý I và II. Theo kịch bản này, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 sẽ vào khoảng 13,55 tỷ USD.
Đối với kịch bản xấu hơn, quý IV sẽ tiếp tục sụt giảm so với quý III và kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ còn 12,69 tỷ USD.
Văn Gia