Báo Đồng Nai điện tử
En

Vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất nông nghiệp

10:09, 17/09/2021

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Nhiều mặt hàng đến kỳ thu hoạch có sản lượng lớn xảy ra tình trạng bị ùn ứ do đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngày 13-9, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Nhiều mặt hàng đến kỳ thu hoạch có sản lượng lớn xảy ra tình trạng bị ùn ứ do đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngày 13-9, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Chế biến nông sản tại một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom
Chế biến nông sản tại một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom

Hội nghị tập trung tháo gỡ khó khăn lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp là sản xuất, lưu thông và xuất khẩu nông sản với mục tiêu khôi phục, duy trì phát triển nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

* Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Báo cáo về tình hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ của ngành hàng nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều mặt hàng đến kỳ thu hoạch có sản lượng lớn đã xảy ra tình trạng bị ùn ứ do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản, nhất là thủy sản phải ngưng hoạt động hoặc giảm công suất hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chi phí đầu vào từ chi phí vận chuyển đến giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng ở mức kỷ lục, chi phí lưu kho và nhiều khoản khác đều tăng.

Ngay cả những DN dừng sản xuất vẫn phải “gồng” nhiều chi phí. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu khiến hoạt động thương mại giảm về cả lượng và giá trị, có sản phẩm bán ra chỉ bằng 30% giá thành sản xuất.

Từ lúa gạo đến mặt hàng trái cây, chăn nuôi, thủy sản cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều khó khăn. Đầu ra tắc nghẽn, nông dân thiếu vốn để mua vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nên không mặn mà sản xuất các vụ tiếp theo, không đủ điều kiện tái đầu tư.

Nhiều loại nông sản rất cần ổn định dịch bệnh để được tiêu thụ, không bị ùn ứ  (Ảnh minh họa)
Nhiều loại nông sản rất cần ổn định dịch bệnh để được tiêu thụ, không bị ùn ứ (Ảnh minh họa)

Dự báo, sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 không đảm bảo và rất có thể thiếu hụt, không đảm bảo nguồn cung nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có những điểm nghẽn, phát sinh chi phí đầu vào tăng cao trong khi đầu ra không ngừng thu hẹp vì các bếp ăn tập thể, kinh doanh quán ăn, nhà hàng tạm ngưng hoạt động. Nhiều nhà máy giết mổ phải đóng cửa, trang trại chăn nuôi giảm đàn, ngưng tái đàn do giá tiêu thụ thấp, giá đầu vào tăng, nguy cơ thiếu nguồn cung trong nước về thực phẩm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán 2022.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau), DN xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, đại diện cho Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, miền Nam là vùng trọng điểm sản xuất tôm của cả nước. Dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng tôm gần như đứt gãy, từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu đều gặp khó khăn. DN chế biến hiện chỉ sản xuất được từ 25-30% công suất dẫn đến giá tôm cũng giảm từ 20-30%.

Cũng theo ông Quang, trong sản xuất, nguồn cung con giống, nguyên liệu đầu vào thiếu, có tình trạng tôm đến vụ không thu hoạch được, không vận chuyển tôm đi tiêu thụ được nên xảy ra tình trạng tôm chết trắng ao. Người nuôi tôm không thả con giống, nguy cơ thiếu nguồn cung tôm đã hiện hữu. Ngành chế biến cũng lo thiếu nguyên liệu chế biến trong thời gian tới.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh có 121 DN, cơ sở kinh doanh, sản xuất nông sản đề nghị kết nối, hỗ trợ vì đầu ra gặp khó khăn.

Cụ thể, H.Định Quán đã được hỗ trợ tiêu thụ 350 tấn rau, hiện còn tồn khoảng 300 tấn. H.Vĩnh Cửu còn 130 tấn cá, hàng chục tấn bưởi chờ hỗ trợ tiêu thụ. H.Cẩm Mỹ còn 1 ngàn tấn củ sắn, cả trăm tấn rau, thịt dê, củ sắn chờ hỗ trợ tiêu thụ, H.Nhơn Trạch còn hàng chục tấn tôm thẻ gặp khó về đầu ra...

Ngoài ra, trung bình mỗi tháng Đồng Nai cung cấp ra thị trường là 25,5 ngàn tấn thịt heo, sản lượng gia cầm là 10,5 ngàn tấn, thịt bò 200 tấn. Nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh khoảng 14 ngàn tấn thịt/tháng, sản lượng thịt cung cấp ngoại tỉnh còn khá lớn khoảng 20 ngàn tấn/tháng.

Dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, nhiều mặt hàng như heo hơi, gia cầm... cung lớn hơn cầu, rớt giá vẫn tồn hàng cần hỗ trợ tiêu thụ.

* Phải nhanh chóng “tháo” điểm nghẽn trong lưu thông

Với mục tiêu duy trì, khôi phục sản xuất trong khó khăn, cả chính quyền địa phương và DN, nông dân đều có kiến nghị tháo gỡ kịp thời hơn nữa những khó, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, chế biến, lưu thông sản phẩm nông nghiệp.

Tại các huyện, xã, lưu thông trong vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tại những vùng sản xuất nằm trong khu vực phong tỏa, thương lái ngưng thu mua.

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ: “Ngành chăn nuôi đang đối mặt với chồng chất khó khăn cần rất nhiều sự hỗ trợ để vực dậy nhưng thực tế đang bị “hành” nhiều quá. Tôi ví dụ, xe chở cám chuyên dùng, đến các chốt yêu cầu sang xe là điều không thể thực hiện được, xe chở vật tư cách trạm gác vài trăm mét nhưng không được vào đến nơi mà phải sang xe tại chốt, thậm chí có tình trạng đang chuyển hàng nhưng đến giờ giới nghiêm 18 giờ là phải dừng lại chờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau mới tiếp tục được chuyển hàng”.

Cùng 1 hệ thống trại nhưng công nhân kỹ thuật từ trại này sang trại khác dù tuân thủ “1 cung đường” nhưng không qua được chốt từ vùng này qua vùng khác. Bên cạnh đó, vừa qua, một số nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm có ca mắc Covid-19 và phải ngưng hoạt động nên gà, heo chen chúc trong chuồng không tiêu thụ được vì đứt gãy ở khâu giết mổ.

Chỉ ra sự “máy móc” của các địa phương trong phòng, chống dịch khiến lưu thông hàng hóa ách tắc, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dẫn chứng, xe chở hàng trăm con heo, hàng ngàn con gà mà bắt sang tải thì DN sao sống nổi. Có nơi cứng nhắc đến mức độ xe chở con giống để tái đàn cũng không cho vào. Đề nghị các địa phương phải đảm bảo thông suốt trong lưu thông hàng hóa, không thêm các loại “giấy phép con” mà thống nhất chỉ kiểm tra điểm đầu, điểm cuối, nhất là cần bãi bỏ việc yêu cầu sang tải gây mất thời gian, ùn ứ trong lưu thông hàng hóa. Từ Trung ương đến địa phương phải xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để làm cơ sở khôi phục sản xuất.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều