Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực chi tiêu trong thời Covid-19

11:09, 08/09/2021

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn cung ứng hàng hóa, trong đó có các loại thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng… bị tác động. Nhiều chợ bán lẻ, cửa hàng tạp hóa tạm đóng cửa vì dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn cung ứng hàng hóa, trong đó có các loại thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng… bị tác động. Nhiều chợ bán lẻ, cửa hàng tạp hóa tạm đóng cửa vì dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến nguồn cung bị gián đoạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Người dân chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Người dân chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Điều này khiến cho nhiều mặt hàng tăng giá, gây áp lực không nhỏ tới cuộc sống người dân, nhất là đối với công nhân, người lao động.

* Giá nhiều mặt hàng tăng

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 8 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 0,37% so với tháng 7-2021. Trong đó, nhiều mặt hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước do những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, mặt hàng lương thực có chỉ số giá tăng 2,1%, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua lương thực dự trữ của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung giảm vì việc vận chuyển gặp khó khăn, nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa. Điều này dẫn đến giá gạo trong tháng tăng so với tháng trước như: gạo tẻ thường tăng 2,33%, gạo tẻ ngon tăng 0,67%; giá các mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác tăng 5,63%; các mặt hàng lương thực chế biến tăng 1,57%.

Tương tự, nhóm các mặt hàng thực phẩm có chỉ số giá tăng 1,99% so với tháng trước do nguồn cung thực phẩm bị hạn chế hơn, nhất là đối với các mặt hàng rau củ quả phải vận chuyển từ các địa phương khác về nên khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Mặt hàng bắp cải, su hào, cà chua có chỉ số giá tăng cao.

Theo Sở Công thương, tính đến đầu tháng 9-2021, toàn tỉnh có 80/148 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương trong tỉnh đã triển khai, bố trí 272 điểm bán hàng thiết yếu với giá bình ổn để thay thế các chợ đang tạm ngưng hoạt động trong mùa dịch Covid-19. Ngoài ra, còn có 247 điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, 227 cửa hàng tiện lợi và nhiều hệ thống siêu thị đang hoạt động.

Đối với các mặt hàng thịt tươi sống như: heo, bò, gà, giá cũng có xu hướng tăng, nhất là vào thời điểm từ giữa tháng 8. Trong đó, so với tháng 7, giá thịt bò tăng 0,4%, các mặt hàng trứng gia cầm tăng hơn 11%, thủy sản tươi sống tăng khoảng 1%. Riêng đối với thịt heo, giá thịt heo ở khu vực thành thị tăng 2,21%, trong khi khu vực nông thôn lại giảm 1,32% do những tác động của dịch bệnh đến nguồn cung, thị trường tiêu thụ.

Các nhóm hàng thực phẩm công nghiệp như: bánh, kẹo, trà, cà phê giá ổn định so với tháng trước. Riêng giá các mặt hàng sữa tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX TMDV Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, hiện nguồn cung ứng các loại thực phẩm, nông sản tại chợ đang dần ổn định sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng rau củ quả hiện chưa thể “hạ nhiệt” ngay, vẫn còn cao hơn so với tháng 7 khoảng 10-15% bởi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn cung, chi phí liên quan đến vận tải tăng... Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền đến bà con tiểu thương phải đảm bảo các quy định về giá và niêm yết giá, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

* Người dân “gồng gánh” chi tiêu

Bà Ngọc Hà (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình bà có 5 thành viên, trong đó đến 3 lao động chính phải nghỉ việc tạm thời do dịch, còn lại đang độ tuổi đi học. Không có thu nhập nhưng mỗi ngày phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc ăn uống khiến bà cảm thấy áp lực.

Do kiểm soát chặt việc đi lại, không phải lúc nào cũng có thể ra đường mua thực phẩm nên đôi khi bà phải đặt hàng trên các hội, nhóm hay các “chợ online” gần nhà. Tuy nhiên, giá cả trên các hội, nhóm này luôn bất ổn và bị đẩy lên cao, có khi lấy ảnh minh họa khác với thực tế, cân thiếu, gây nhầm lẫn cho khách hàng...

“Hiện tại, dịch bệnh và giãn cách xã hội vô cùng khó khăn, chỉ mong sao giá cả thị trường bình ổn chút, các hộ kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ không “hét giá” để người tiêu dùng đỡ khổ” - bà Hà nói.

Tương tự, bà Tuyết Mai (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện tại dịch bệnh phức tạp, cộng thêm giãn cách xã hội kéo dài nên nhiều người không có thu nhập. Cùng với đó, giá hàng hóa tăng cao, dao động bất ổn so với trước, nhất là các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống...

“Do ở nhà xuyên suốt nên các chi phí sinh hoạt đều tăng chóng mặt như: lượng điện tiêu thụ tăng gấp đôi; giá gas liên tục tăng trong khi phải nấu đủ 3 bữa cho cả nhà. Nhìn chung, tôi ở nhà vừa lo dịch bệnh mà còn phải “gồng gánh” thêm áp lực kinh tế khi vật giá leo thang” - bà Mai chia sẻ.

Giá lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng truyền thống, những đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài ở một số địa phương, khu vực. Không chỉ người mua than thở, người bán cũng đau đầu khi giá cả các mặt hàng “leo thang” từng ngày.

Theo các tiểu thương ở một số chợ đang hoạt động, chủ tiệm tạp hóa, người kinh doanh thực phẩm online, tình trạng giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao trong thời gian gần đây là do cung - cầu đang mất cân đối, hệ thống phân phối qua nhiều khâu khiến giá các mặt hàng nhu yếu bị đẩy lên cao.

Do đó, một số trường hợp sau khi bán hết hàng tồn phải tạm nghỉ bán vì không có nguồn hàng để lấy, mặt khác giá nhập về cao nên bán không có lợi nhuận, tăng giá thì người mua phàn nàn, chưa kể còn phải đối mặt với rủi ro lây nhiễm bệnh Covid-19 trong giai đoạn này.

Lam Phương

Tin xem nhiều