UBND tỉnh vừa ban hành công văn yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng đề án Quản lý thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.
UBND tỉnh vừa ban hành công văn yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng đề án Quản lý thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.
Bãi trung chuyển chất thải tạm tại H.Long Thành. (Ảnh minh họa) |
Việc thống nhất thực hiện một đề án nhằm tránh tình trạng mỗi địa phương một kế hoạch, không đồng bộ, thiếu hiệu quả. Điều này cũng giúp địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhà thầu thu gom, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu.
* Đang bị động trong triển khai thực hiện
Thời gian qua, TP.Biên Hòa và các địa phương trong tỉnh phải nợ tiền vận chuyển, xử lý chất thải của doanh nghiệp vì không thể tổ chức đấu thầu sớm.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, thời điểm hiện tại thành phố chưa tổ chức đấu thầu các gói xúc - vận chuyển, xử lý chất thải năm 2021. Các doanh nghiệp trúng thầu năm 2020 tiếp tục thực hiện phần việc theo hình thức gối đầu. Theo ông Nguyên, thành phố quan tâm và ưu tiên nguồn lực cho xử lý chất thải sinh hoạt. Hằng năm, thành phố xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các phường, xã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do thiếu các điểm trung chuyển chất thải, do phải chờ quyết định phê duyệt đơn giá xúc - vận chuyển và xử lý chất thải của UBND tỉnh nên địa phương bị động trong việc lựa chọn đơn vị có phương tiện, công nghệ đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch, 3 năm gần đây, địa phương gần như không có sự lựa chọn đơn vị xúc - vận chuyển chất rác thải. Khu xử lý chất thải ở xã Bàu Cạn (H.Long Thành) đã ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt vì không đáp ứng chỉ tiêu về chôn lấp rác của tỉnh. Chất thải sinh hoạt của huyện phải chở về nhà máy xử lý rác thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Quãng đường vận chuyển xa hơn, chi phí cao hơn nên ít doanh nghiệp tham gia. Huyện cũng khó kiểm tra, giám sát quá trình vận chuyển, xử lý chất thải của các đơn vị hợp đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt từng địa phương do UBND cấp huyện xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh. Các địa phương xây dựng kế hoạch sớm nhưng phải chờ phê duyệt đơn giá vận chuyển, xử lý chất thải. Thông thường, phải từ tháng 3-4 hằng năm mới có đơn giá vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt của năm. Sau khi hoàn thành các thủ tục phải cuối quý II hoặc đầu quý III, địa phương mới tổ chức đấu thầu được. Một số địa phương không có khu xử lý chất thải đóng trên địa bàn hoặc có khu xử lý nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn của tỉnh phải ngưng tiếp nhận rác thải.
* Thống nhất thực hiện một đề án
Theo Sở TN-MT, để quản lý và phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, cần thống nhất quy hoạch điểm, khu xử lý chất thải phù hợp với từng địa bàn; chuẩn hóa phương tiện vận chuyển, công nghệ xử lý chất thải đáp ứng tiêu chí môi trường. Duy trì chính sách ưu đãi về vốn, thuế đất cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xử lý chất thải.
Tại công văn số 9310/UBND-KTN ban hành ngày 5-8-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và những hạn chế tại các khu xử lý chất thải theo quy hoạch đã được duyệt; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tái chế và tái sử dụng chất thải nhằm hạn chế chôn lấp chất thải ra môi trường. Cùng với đó, Sở TN-MT phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng đề án Quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Rà soát các nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và các nguồn hợp pháp khác hình thành nguồn vốn ưu đãi cho vay đầu tư đổi mới phương tiện vận chuyển chất thải.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính tham mưu về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phương tiện, nhà máy, công nghệ xử lý chất thải; hỗ trợ các địa phương thực hiện đấu thầu xử lý, vận chuyển chất thải theo kế hoạch. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung để lựa chọn doanh nghiệp có công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, đơn vị có phương tiện thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu về môi trường. Sở Xây dựng đánh giá lại quy hoạch các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung các khu xử lý chất thải cho phù hợp với thực tiễn các địa phương đang thiếu và định hướng phát triển của huyện, tỉnh.
Việc thống nhất triển khai đề án Quản lý thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên quy mô toàn tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động lựa chọn nhà thầu xử lý chất thải có năng lực, quản lý hiệu quả chất thải phát sinh trên địa bàn.
Theo số liệu của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án thuộc 7 khu xử lý chất thải. Các dự án này cơ bản đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ xử lý đã được thẩm định, có thực hiện phân loại chất thải trước khi xử lý. Các địa phương không có quy hoạch khu xử lý chất thải sinh hoạt hoặc có khu xử lý chất thải nhưng không đáp ứng yêu cầu buộc phải tạm ngưng, chủ đầu tư không tham gia đấu thầu xử lý chất thải cho huyện là TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc, Tân Phú. |
Lê An