Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo động dịch khảm lá trên cây mì

03:07, 29/07/2021

Hiện nay, khu vực phía Nam chỉ còn 8 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) xuất hiện dịch khảm lá mì (sắn) chứ không lan rộng ra khắp 22 tỉnh, thành như cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tổng diện tích bị nhiễm bệnh vẫn lớn, gây nhiều thiệt hại cho cây trồng này.

Hiện nay, khu vực phía Nam chỉ còn 8 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) xuất hiện dịch khảm lá mì (sắn) chứ không lan rộng ra khắp 22 tỉnh, thành như cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tổng diện tích bị nhiễm bệnh vẫn lớn, gây nhiều thiệt hại cho cây trồng này.

Một rẫy mì của hộ dân tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc, bị nhiễm dịch khảm lá. Ảnh: B.Nguyên
Một rẫy mì của hộ dân tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc, bị nhiễm dịch khảm lá. Ảnh: B.Nguyên

Hiện dịch khảm lá trên cây mì chưa có thuốc đặc trị nên để hạn chế thiệt hại, người dân vẫn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng dịch, nhất là tuân thủ việc sử dụng giống sạch bệnh.

* Trên 38 ngàn ha mì nhiễm bệnh

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích trồng mì khu vực phía Nam hiện nay đạt trên 71 ngàn ha. Trong đó, tổng diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá là trên 38 ngàn ha, tăng hơn 3,8 ngàn ha so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tập trung tại 8 tỉnh, thành: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, An Giang và TP.HCM.

Tỉnh đứng đầu về diện tích mì nhiễm bệnh là Tây Ninh với trên 25,3 ngàn ha. Riêng Đồng Nai, tính đến tháng 6-2021, tổng diện tích mì trên địa bàn tỉnh trên 13 ngàn ha, trong đó, vụ hè thu đạt 9,6 ngàn ha, vụ đông xuân đang trong giai đoạn nuôi củ là trên 3,5 ngàn ha. Đồng Nai hiện đang đứng thứ 2 về diện tích mì nhiễm bệnh với gần 1,6 ngàn ha, chiếm gần 12% tổng diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ nhiễm bệnh nhẹ khoảng 1,4 ngàn ha, diện tích nhiễm bệnh nặng khoảng 140ha…

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT về ảnh hưởng của dịch khảm lá mì lên năng suất của cây trồng này, vụ hè thu năm 2020, toàn tỉnh có trên 10,3 ngàn ha mì, năng suất đạt 180-280 tạ/ha, giảm từ 10-20% so với vụ hè thu năm 2019 do ảnh hưởng của dịch khảm lá.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu năm 2021 của các tỉnh, thành Nam bộ diễn ra vào ngày 8-7, ông Nghiêm Quang Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, bệnh khảm lá mì vẫn chưa được khống chế hiệu quả, tiếp tục lây lan sang các vùng trồng mới. Để kiểm soát, giảm thiểu mức độ phát sinh, gây hại của bệnh cũng như hướng tới các giải pháp kiểm soát dịch bệnh này, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm dịch nội địa; điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm bệnh để khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để.

* Sử dụng giống cây sạch bệnh

Do dịch khảm lá mì chưa có thuốc đặc trị nên cách phòng tránh hiệu quả nhất vẫn là việc ưu tiên sử dụng nguồn cây giống sạch bệnh. Ông Nghiêm Quang Tuấn nhấn mạnh, vụ hè thu năm 2021, mức độ bệnh khảm lá và mức độ ảnh hưởng đến năng suất cây mì có giảm so với vụ hè thu năm trước vì đã chọn tạo được giống kháng bệnh. Hiện nay, ngoài 2 giống mì sạch bệnh là HN3, HN5, các địa phương đang quan tâm tìm những giống mì chống chịu với bệnh khảm lá nhằm đa dạng hóa nguồn giống. Các địa phương cần xây dựng mạng lưới nhân giống sạch bệnh trong nông dân nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng giống sạch bệnh.

Đây cũng là giải pháp được các địa phương có diện tích mì lớn của Đồng Nai quan tâm thực hiện. Năm 2021, nhiều địa phương trồng mì với diện tích lớn như: Định Quán, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, nông dân đã không trồng các giống mì nhiễm bệnh. Kết quả, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ hơn 1,5 ngàn ha, giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (có thời điểm có hơn 9 ngàn ha mì bị dịch khảm lá).

Theo TS Nguyễn Hữu Hỷ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom, hiện ông Hỷ đang là thành viên tham gia dự án Phát triển và phổ biến hệ thống sản xuất mì bền vững thông qua quản lý sâu bệnh hại tại trung tâm), giải pháp lâu dài quan trọng nhất là phải có giống mì kháng dịch.

Theo đó, trung tâm đang phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá với quy mô 20ha ở 10 hộ dân thực hiện trên địa bàn H.Long Thành. Nông dân tham gia chương trình được hỗ trợ về giống, vật tư sản xuất. Trung tâm đang phối hợp với địa phương theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của mô hình sản xuất giống sạch bệnh.

Để hạn chế dịch khảm lá mì không tiếp tục lây lan trong vụ sản xuất tới, Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân các địa phương chỉ nên xuống giống 1-2 vụ/năm, xuống giống đồng loạt, tập trung từng vụ sản xuất. Sử dụng giống sạch bệnh, giống ít nhiễm bệnh; thực hiện quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá mì; thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện bệnh cần khẩn trương thực hiện các biện pháp thu gom, tiêu hủy đúng quy trình.            

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều