Dù đã được coi là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước nhưng kinh tế tư nhân ở Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.
[links()]Dù đã được coi là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước nhưng kinh tế tư nhân ở Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh. Ảnh: Vương Thế |
Thiếu vốn, nhân lực, hạn chế về năng lực đổi mới công nghệ cũng như hội nhập toàn cầu làm cho doanh nghiệp (DN) chậm phát triển. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài và với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại càng đặt ra những thách thức lớn cho DN nội.
* Loại bỏ tâm lý “sợ lớn”
Theo đánh giá của các DN trong tỉnh, thời gian qua, Đồng Nai đã có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển. Tuy nhiên, hiện nay DN vẫn còn thiếu và yếu rất nhiều. Ông Đặng Quốc Nghi, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhận định, đối với DN, nhất là DN tư nhân, các vấn đề như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cung ứng lao động, cạnh tranh bình đẳng… là điều mà địa phương cần phải chú trọng bởi DN chưa có nhiều thông tin.
Một vấn đề khác nữa là trong hoạt động kinh doanh quốc tế, một số DN tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu thông tin và tỏ ra chưa thực sự sẵn sàng để bước chân ra “biển lớn”.
Mặc dù điều hành DN sản xuất, cung ứng nguyên liệu gỗ và tạo việc làm cho khoảng 300 lao động nhưng chị Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa) cho hay, nỗi trăn trở của chị là vẫn chưa thực sự mạo hiểm để bước chân ra biển lớn, xuất khẩu hàng trực tiếp ra nước ngoài với thương hiệu riêng. Bởi theo chị Phương, làm ăn với các đối tác nước ngoài rất phức tạp, cần phải có người am hiểu các quy định, thông lệ kinh doanh quốc tế. Đã từng có những vụ DN Việt làm ăn trực tiếp với nước ngoài khi có sự cố thì phần chịu thiệt luôn về mình. Để tự mình phát triển lớn mạnh, trong tương lai, chị sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm kiếm nhân sự có chất lượng nhằm nâng cấp công ty. Trước mắt, DN vẫn thực hiện phương châm “tiến chậm mà chắc”, gia công sản phẩm cho các đối tác lớn chuyên về xuất khẩu cũng là cách để học hỏi thêm kinh nghiệm, gia tăng thực lực trước khi vươn mình, trực tiếp xuất hàng đi nước ngoài.
Trước sự “dè dặt” trong tâm lý phát triển và định hướng của nhiều DN nhỏ hiện nay, ở góc độ quản trị DN, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư U&I (UniGroup, tỉnh Bình Dương) nhận định, yếu tố lớn nhất trước hết là tự bản thân DN. “DN phải vượt qua được chính mình, có khát vọng phấn đấu, đưa DN Việt, thương hiệu Việt lớn lên cùng với thế giới. Nhưng đồng thời và song hành đó, chính sách hỗ trợ phải tốt, môi trường, thể chế, chính sách đi kịp với xu thế, nếu không sẽ làm cho DN tư nhân mất đi động lực phát triển” - ông Mai Hữu Tín khẳng định.
Tương tự, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sự áp đảo của DN nhỏ, siêu nhỏ chứng tỏ DN tư nhân Việt Nam rất “khó lớn, chậm lớn” và cũng khó xây dựng thành lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn. “DN đã nhỏ và siêu nhỏ rồi nhưng lại có nhiều DN khó lớn, chậm lớn và... sợ lớn. Có rất nhiều vấn đề từ thể chế, chính sách gây tác động đến tâm lý DN, tâm lý xã hội, phải cần một thời gian dài để giải quyết. Ngoài ra, môi trường đầu tư, cơ chế, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề bất cập kìm nén sự trưởng thành của DN” - ông Trần Đình Thiên cho biết.
* “Bắt tay” để cùng phát triển
Hiện nay, Đồng Nai đã có hàng chục ngàn DN hoạt động trên địa bàn, trong đó đa phần là DN tư nhân. Riêng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã có đội ngũ gần 500 DN, hội viên; tổ chức BNI Đông Nam bộ cũng có tới hàng ngàn hội viên. Cùng với Hội Doanh nhân trẻ, các hiệp hội, hội ngành nghề khác như: Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ, Hiệp hội Gốm, Hội Doanh nhân cựu chiến binh… cũng phát triển năng động, từng bước tạo dựng nên cộng đồng DN đông về số lượng thuộc hàng đứng đầu trong các địa phương cả nước. Tuy số lượng đông nhưng nhìn nhận một cách thực tế, chất lượng DN vẫn còn là vấn đề đáng bàn. Có đến 97% DN ở mức nhỏ, siêu nhỏ, chỉ có
vài % DN trong số đó chạm đến ngưỡng vừa.
Sự phát triển của cộng đồng DN, trong xu hướng phát triển toàn cầu và chuỗi liên kết sản xuất như hiện nay, không thể tách rời vai trò định hướng, hỗ trợ của chính quyền, cùng với đó là “bệ đỡ” từ các tập đoàn, DN lớn. “Cái khó của DN là thiếu thông tin, nhất là sự minh bạch, công bằng về chính sách hỗ trợ đối với DN. Thực tế thì hiện nay, phần lớn DN vẫn mạnh ai nấy làm, Nhà nước cần phải có chương trình cụ thể, sát sườn để tập hợp được các DN lại với nhau” - anh Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) kỳ vọng.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay có một xu thế là các DN lớn đang đầu tư vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn và tài chính cho các start-up (DN khởi nghiệp). Mà nguồn vốn thường là khó khăn lớn nhất của các start-up. Điều này sẽ là bệ đỡ để các DN nhỏ, DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển. “Sáng tạo không thiếu nhưng năng lực tài chính của các start-up yếu nên họ cần nguồn vốn. Trong khi đó, nguồn vốn cho khởi nghiệp lại là đầu tư rủi ro cao. Do đó, thúc đẩy nguồn vốn cho các start-up cần bàn tay của các DN lớn” - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn khi kinh tế đã hội nhập sâu rộng thì việc ủng hộ nhau cùng phát triển nên được các DN phát huy. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đến nay đã có 10 chi hội địa phương, chi hội ngành hàng trực thuộc. Hội cũng đã phát động chương trình DN, hội viên dùng sản phẩm của nhau, sản phẩm của DN này là đầu vào sản xuất của DN kia và ngược lại. Tuy nhiên trong thực tế, các hoạt động liên kết, hợp tác kinh doanh của các DN vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Sản phẩm làm ra từ các DN nhỏ và vừa vẫn bị cạnh tranh gay gắt từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ một số ít chủ DN có tư duy năng động, dám chấp nhận đầu tư thì mới có khả năng bán hàng trực tiếp, phần lớn còn lại là gia công. Để chương trình có thể đạt được kết quả cao hơn thì cần sự chung tay, góp sức của đông đảo DN trên địa bàn nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cốt lõi vẫn là “sức khỏe” của DN Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN nhưng do nhiều yếu tố, trong đó có tác động của dịch Covid-19 đã khiến cho mục tiêu này chưa trở thành hiện thực. Riêng Đồng Nai đặt mục tiêu có 30 ngàn DN vào năm 2020, nhưng đã vượt qua con số này và đứng thứ 4 cả nước, sau TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương. Trên thực tế, giữa số liệu đăng ký kinh doanh và số DN hoạt động có một khoảng cách khá chênh lệnh. Chỉ có khoảng 50-60% DN đăng ký kinh doanh đang hoạt động, số còn lại là các DN có hoặc không có đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, chờ giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể, nghĩa là muốn có 1 triệu DN đang hoạt động thì cần có 1,5-1,6 triệu DN đăng ký. Điều đó cho thấy, “sức khỏe” của DN mới chính là vấn đề đáng quan tâm nhất. Đông nhưng không mạnh cũng sẽ kéo theo cả nền kinh tế không năng động. |
Vương Thế - Hoàng Lộc
Bài 3: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kinh tế tư nhân