Thời gian gần đây, nông dân trồng mít gặp nhiều khó khăn khi giá mít giảm sâu chưa từng có và liên tục giữ giá thấp suốt nhiều tháng nay. Mít rớt giá do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng còn có nguyên nhân diện tích cây trồng này liên tục tăng "nóng" trong thời gian ngắn.
Thời gian gần đây, nông dân trồng mít gặp nhiều khó khăn khi giá mít giảm sâu chưa từng có và liên tục giữ giá thấp suốt nhiều tháng nay. Mít rớt giá do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng còn có nguyên nhân diện tích cây trồng này liên tục tăng “nóng” trong thời gian ngắn.
Nông dân trồng mít tại xã Phú Cường, H.Định Quán lo lắng vì giá mít giảm sâu, thương lái lại không mặn mà thu mua khi cây trồng này bắt đầu rộ vụ thu hoạch. Ảnh: B.Nguyên |
Vài năm trở lại đây, mít Thái (còn gọi là mít Thái siêu sớm) trở thành cây trồng thuộc tốp đầu tăng “nóng” về diện tích. Cây trồng này có nhiều lợi thế như: nhanh cho thu hoạch, năng suất tốt nhưng nguyên nhân chính khiến diện tích cây trồng này tăng nhanh là do mặt hàng này xuất khẩu tốt nên thường có giá bán rất cao.
* Giá mít giảm sâu
Thời gian gần đây, câu chuyện mà nông dân quan tâm tại các địa phương có diện tích mít lớn đều xoay quanh việc mít liên tục rớt giá và hiện đang có mức giá giảm kỷ lục chưa từng có. Cụ thể, giá mít Thái bán tại vườn hiện chỉ còn từ 3-4 ngàn đồng/kg, mít lá bàng chỉ còn từ 1-2 ngàn đồng/kg.
So sánh giá mít hiện nay với thời điểm thị trường tiêu thụ tốt, ông Hoàng Minh Đức, nông dân ở xã Phú Cường (H.Định Quán) cho biết, đầu năm xuất khẩu tốt, giá mít Thái có thời điểm bán được trên 40 ngàn đồng/kg. Nhưng thời gian bán được với mức giá cao này rất ngắn, sau đó liên tục rớt giá xuống 20, 10 ngàn đồng và nay chỉ bán được 3-4 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng mít hầu như không có lợi nhuận. Thời gian đầu, ông Đức chỉ trồng xen canh cây mít vào vườn sầu riêng, thấy cây trồng này thường bán được giá cao, cây lại cho thu hoạch quanh năm nên ông mạnh dạn đầu tư thêm 0,8 ha chỉ chuyên trồng mít. “Trồng lâu mới thấy mức độ rủi ro của cây mít cũng khá cao vì cây đang xanh tốt tự nhiên bị nấm bệnh chết. Tình trạng cây mít bị nấm bệnh chết và thường chết rất nhanh khiến người trồng không kịp xử lý” - ông Đức nói.
Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Văn Trung, nông dân trồng mít tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) chia sẻ, gần 2 năm trước, thấy giá mít bán được giá cao nên ông chặt bỏ vườn xoài đang cho thu hoạch chuyển sang trồng mít. Thời điểm ông Trung chuyển đổi sang trồng mít, giá mít bán tại vườn có khi lên đến 40-50 ngàn đồng/kg. Thấy nhiều nông dân thu tiền tỷ từ vườn mít, đạt lợi nhuận quá cao nên ông Trung không e ngại vay thêm vốn chuyển đổi cây trồng. Ông Trung tính toán: “Tôi tính chỉ cần bán được khoảng hơn 20 ngàn đồng/kg cũng đã có lợi nhuận rất tốt nên bỏ xoài trồng mít. Nhưng giờ cây trồng bắt đầu cho thu hoạch thì giá rớt xuống còn vài ngàn đồng/kg cũng không biết tính sao”.
Giá mít giảm sâu nhưng có thời điểm rộ thu hoạch, sản lượng tăng cao, thương lái cũng khó thu mua đồng loạt. Ông Nguyễn Văn Trường, người chuyên thu mua nông sản trên địa bàn H.Định Quán, Tân Phú cho biết, cây mít tuy cho thu hoạch quanh năm nhưng bắt đầu vào mùa mưa mới là chính vụ. Hiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường xuất khẩu bị đình đốn.
* Khó trở lại thời hoàng kim
Mít Thái từng gây sốt thị trường vì thuộc tốp đầu cây trồng cho lợi nhuận cao. Có thời điểm, mít sốt giá, thương lái về tận vườn thu mua với giá 50-60 ngàn đồng/kg. Đây lại là cây trồng cho năng suất cao, đầu ra thuận lợi, nên thời gian đầu, rất nhiều nhà vườn đã giàu lên từ cây mít. Thấy lợi nhuận “khủng” từ cây mít, nhiều nông dân đua nhau chuyển đổi sang cây trồng này. Theo đó, diện tích cây trồng này không ngừng tăng nhanh trên địa bàn Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có gần 6 ngàn ha diện tích trồng mít, tăng hàng ngàn ha so với vài năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Trường, giá mít giảm sâu vì hiện cây trồng này đang vào chính vụ, sản lượng thu hoạch lớn ngay thời điểm thị trường xuất khẩu bị đình đốn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là vài năm trở lại đây, diện tích mít tăng “nóng” không chỉ tại Đồng Nai mà trong cả nước. Thị trường tiêu thụ mặt hàng này lại phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nên đầu ra khó bền vững. Ông Trường dự đoán: “Với tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, thị trường tiêu thụ trái mít nói riêng và các loại trái cây tươi nói chung vẫn khó lường. Dự đoán, vụ thu hoạch trái cây hè năm nay còn nhiều rủi ro do xuất khẩu bị đình đốn vì dịch bệnh”.
Đưa ra góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) nhận xét, trái mít có nhiều lợi thế hơn hẳn các mặt hàng trái cây tươi khác vì đã được đưa vào chế biến. Mít sấy hiện đang là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. Mít là loại cây trồng đặc trưng của vùng nhiệt đới nên không phải nước nào cũng trồng được phổ biến như ở Việt Nam. Tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm chế biến từ mít còn rất lớn vì dòng thực phẩm này rất giàu dinh dưỡng, được cả thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến cần có nguồn nguyên liệu chất lượng tốt với giá ổn định, Nhà nước nên đưa cây trồng này vào quy hoạch để phát triển diện tích đúng với nhu cầu thị trường. Nông dân cũng không nên chạy theo phong trào ồ ạt phát triển với kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận khủng mà nên chuyển hướng sản xuất an toàn, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến để có đầu ra ổn định, bền vững.
Bình Nguyên