Cách đây 70 năm, ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày nay - mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vẻ vang của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Cách đây 70 năm, ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày nay - mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vẻ vang của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành Ngân hàng trong tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định về nguồn vốn huy động, dư nợ tín dụng. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Hưng Đạo Vương (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân |
* Đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước ta đã từng bước thiết lập được một nền tiền tệ và một hệ thống ngân hàng độc lập với những bước đi phù hợp, sáng tạo.
Tháng 12-1945, Nhà nước cho phát hành đồng bạc Việt Nam đầu tiên được nhân dân hưởng ứng và hoan nghênh, gọi là “Tờ giấy bạc Cụ Hồ”. Ngày 3-2-1947, tổ chức tín dụng đầu tiên của Việt Nam - Nha Tín dụng sản xuất được thành lập nhằm giúp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn…
Đến ngày 6-5-1951, tại Hang Bòng thuộc xã Tân trào, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL chính thức thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Tổng giám đốc đầu tiên của ngành là cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Đến năm 1961, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, ngành Ngân hàng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2006), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996 và 2011). Ba đơn vị được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là Ban Tài chính đặc biệt (N2683), Quỹ Đặc biệt (B29), Ban Ngân khố tín dụng R (C32). Nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: anh hùng lao động, huân chương, huy chương, bằng khen các cấp.
* Duy trì mức tăng trưởng ổn định
Tại Đồng Nai, bám sát các chủ trương chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực đi đầu trong việc xây dựng một môi trường kinh tế tài chính giàu năng lực cạnh tranh, ổn định, góp phần tích cực vào sự phát triển về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn qua từng giai đoạn.
Trong những năm qua, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sự chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành trên địa bàn và hội sở chính của các đơn vị để tận dụng tốt các cơ hội, phát huy sức mạnh nội lực, tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong tỉnh duy trì mức tăng trưởng ổn định về nguồn vốn huy động, dư nợ tín dụng trong giai đoạn vừa qua.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 59 chi nhánh ngân hàng của 42 ngân hàng với 219 phòng giao dịch trực thuộc và 22 chi nhánh ngân hàng cấp 2. Bên cạnh đó, còn có 35 quỹ tín dụng nhân dân, 5 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP)...
Thời gian qua, các ngân hàng trong tỉnh triển khai nhiều kênh thanh toán trực tuyến, các ứng dụng ngân hàng số. Trong ảnh: Các bạn trẻ sử dụng ứng dụng đặt hàng, thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh |
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, giai đoạn gần nhất từ 2015-2020, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất khả quan trong việc huy động nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy an sinh xã hội nhằm cải thiện đời sống của nhân dân thông qua công tác tín dụng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong đó, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14,5%/năm, tính đến cuối năm 2020 đạt hơn 245,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Tương tự, tổng dư nợ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng trong tỉnh tăng bình quân khoảng 17%/năm trong giai đoạn 2015-2020, tính đến cuối năm 2020 đạt trên 244,3 ngàn tỷ đồng.
Là một ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh, vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai đã kỷ niệm 30 năm thành lập. Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, sau 30 năm xây dựng và phát triển, từ 30 cán bộ của ngày đầu thành lập, đến nay, chi nhánh đã có hơn 200 cán bộ, nhân viên với cơ sở vật chất gồm 1 trụ sở chính khang trang, hiện đại cùng mạng lưới 5 phòng giao dịch, với quy mô hoạt động xấp xỉ 30 ngàn tỷ đồng… Chi nhánh không ngừng lớn mạnh về quy mô, chuẩn mực về hoạt động, hiệu quả kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng…
* Phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong tình hình mới
Bước vào giai đoạn mới, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng, đảm bảo cung ứng vốn cho các thành phần kinh tế, tập trung phân bổ vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, trong giai đoạn 2021-2025, ngành Ngân hàng trong tỉnh phấn đấu duy trì mức tăng trưởng tổng nguồn vốn huy động tại chỗ cuối năm tăng 10-12% so với cuối năm trước; tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế cuối năm tăng 14-16% so với cuối năm trước. Mục tiêu của ngành là vừa đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%...
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính… Đồng thời, thực hiện các giải pháp tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, ngành Ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, hiện nay, chi nhánh đang đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các kênh thanh toán trực tuyến. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, nâng cao chất lượng hệ thống internet banking, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số theo hướng hiện đại, tiện ích với rất nhiều sản phẩm, dịch vụ tích hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân…
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, từ ngày 6-3-2020 đến nay, chi nhánh chủ động cập nhật và triển khai đầy đủ đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn các văn bản và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Hoàng Hải