Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản

11:05, 14/05/2021

Thời gian qua, các dự án bất động sản (BĐS) tại Đồng Nai chưa được quản lý chặt chẽ nên vẫn còn xảy ra những vi phạm về đất đai, xây dựng, đầu tư, lộ trình thực hiện. Nếu không có những giải pháp quản lý tốt, tỉnh sẽ không khai thác được hiệu quả của các khu dân cư, khu đô thị.

Thời gian qua, các dự án bất động sản (BĐS) tại Đồng Nai chưa được quản lý chặt chẽ nên vẫn còn xảy ra những vi phạm về đất đai, xây dựng, đầu tư, lộ trình thực hiện. Nếu không có những giải pháp quản lý tốt, tỉnh sẽ không khai thác được hiệu quả của các khu dân cư, khu đô thị.

Khu dân cư Tân Thịnh (H.Trảng Bom) có gần 500 căn nhà xây dựng trái phép đang đợi xử lý. Ảnh: U.Nhi
Khu dân cư Tân Thịnh (H.Trảng Bom) có gần 500 căn nhà xây dựng trái phép đang đợi xử lý. Ảnh: U.Nhi

[links()]Trên địa bàn tỉnh được quy hoạch gần 350 khu dân cư, khu đô thị để đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5-2021, số dự án BĐS tại Đồng Nai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đưa vào khai thác hiệu quả rất ít. Vì chủ dự án chỉ hướng đến các sản phẩm thuộc phân khúc trung bình, cao cấp, trong khi nhu cầu của đa số người dân ở Đồng Nai là giá rẻ.

* Nhiều dự án BĐS sai phạm

Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các dự án được giới thiệu địa điểm đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nếu giao đất sau 2-4 năm không triển khai sẽ bị thu hồi dự án. Tại Đồng Nai có những dự án đã được cấp phép đầu tư 6-14 năm chưa hoàn thành vẫn còn khá nhiều. Trong đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án BĐS kéo dài nhiều năm chưa xây dựng xong là do nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, hoặc kéo dài thời gian làm các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng và tìm đối tác chuyển nhượng một phần hay cả dự án kiếm một khoản lợi nhuận thông qua hình thức chuyển nhượng dự án, hợp tác đầu tư, bán cổ phần... Nhiều doanh nghiệp (DN) nhận chuyển nhượng dự án BĐS ở Đồng Nai chưa chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà chủ yếu chờ thời cơ sang lại dự án hoặc đợi khi khu vực xung quanh giao thông kết nối hoàn thiện, giá đất tăng cao mới tiến hành xây dựng và bán sản phẩm.

Đầu năm 2021, khi vào làm việc với Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân lưu ý, Đồng Nai quản lý chặt chẽ đất đai trên địa bàn tỉnh để tránh các trường hợp vi phạm về phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép. Trong đó, chú ý đến các dự án BĐS, yêu cầu thực hiện đúng theo quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS...

Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết: “Trên địa bàn huyện quy hoạch nhiều dự án khu dân cư đã và đang triển khai. Thời gian qua, công tác quản lý một số dự án BĐS chưa được chặt chẽ dẫn đến các chủ đầu tư vi phạm về đất đai, xây dựng. Huyện tiến hành rà soát lại các dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án BĐS để hạn chế xuống mức thấp nhất các trường hợp vi phạm của chủ đầu tư”. Tại H.Trảng Bom thời gian qua, xảy ra một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng liên quan đến đất đai như: Năm 2019, nhiều người dân mua đất nền dự án Gold Hill ở TT.Trảng Bom làm đơn kêu cứu gửi UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh về việc chủ đầu tư dự án là Công ty CP Bất động sản Đất Xanh không thực hiện đúng cam kết trong 9 tháng sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vụ việc ầm ĩ kéo dài một thời gian mới giải quyết xong. Tiếp đến đầu năm 2020, tại H.Trảng Bom xảy ra vụ gần 500 căn biệt thự xây dựng trái phép thuộc khu dân cư Tân Thịnh do Công ty CP Đầu tư LDG làm chủ đầu tư, hiện nay chưa giải quyết dứt điểm.

Tương tự, tại TP.Biên Hòa cũng xảy ra trường hợp Dragon City ở P.Tam Phước; H.Nhơn Trạch có dự án khu nhà ở cho công nhân thuộc xã Phú Hội của Công ty TNHH Vạn Phúc... Thời gian qua, UBND TP.Biên Hòa xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ xã, phường liên quan đến việc quản lý để xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng. 

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, TP.Biên Hòa đang cho rà soát lại tất cả các dự án BĐS trên địa bàn. Giao trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND các phường, xã, nếu để xảy ra các vi phạm mới về đất đai, xây dựng sẽ xử lý kỷ luật. Vì vậy, tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng giảm hẳn so với những năm trước.

* Phải được xử lý nghiêm

Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021, trên địa bàn tỉnh tăng gần 40 dự án khu dân cư so với năm 2020. Trong đó, có nhiều dự án kéo dài 6-14 năm vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thành và không thu hút được người dân đến sinh sống. Những khu dân cư vắng bóng người sẽ khiến cho các khu vực xung quanh không phát triển được, ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế của địa phương.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết: “Huyện đã cho rà soát lại hết các dự án BĐS trên địa bàn và tới đây sẽ kiến nghị tỉnh thu hồi hơn 10 dự án khu dân cư vì quá thời hạn quy định đã lâu mà không triển khai. Đồng thời, huyện tổng hợp những dự án BĐS trước đây được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm cho DN, nhưng DN chưa thực hiện, nếu hết thời gian, dự án hết hiệu lực”.

Nhiều hộ dân bị quy hoạch đất trong những dự án BĐS kéo dài rất bức xúc, vì nhiều năm qua họ bị hạn chế quyền lợi của mình trên thửa đất, khó phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, có những gia đình con cái lớn, có muốn chia đất cho con làm nhà ở cũng không được. Hoặc nhà cửa xuống cấp, xin cấp phép xây dựng lại cũng bị từ chối vì vướng quy hoạch như một số khu dân cư ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa)...

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà khẳng định: “Tới đây, Sở sẽ phối hợp từng địa phương rà soát lại tất cả các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh, những dự án nào quá hạn chưa triển khai sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi. Còn các dự án cố tình kéo dài “chờ thời” sẽ được chấn chỉnh lại để thị trường BĐS ở Đồng Nai phát triển ổn định”.

Đồng Nai đã và sẽ quy hoạch nhiều khu đất đấu giá để lấy vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng trên địa bàn tỉnh. Các khu đất đấu giá phần lớn được quy hoạch xây khu dân cư kết hợp với thương mại dịch vụ, theo quy định sau 4 năm không triển khai dự án sẽ bị thu hồi. Do đó, việc quản lý, giám sát các dự án BĐS thực hiện theo lộ trình rất cần thiết. Nếu các dự án BĐS được quản lý chặt, kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm sẽ giúp cho thị trường BĐS của tỉnh phát triển đúng theo yêu cầu của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng từng nhiều lần yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ rà soát lại tất cả các dự án về BĐS. Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án, cố tình kéo dài thì rút giấy phép đầu tư, mời gọi các DN có kinh nghiệm, tài chính thực hiện dự án. Quá trình các DN triển khai dự án giám sát chặt để tránh xảy ra các sai phạm.

Đồng Nai có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị diện tích lớn từ 50-753ha được quy hoạch 6-12 năm, song đến nay, số dự án đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và có dân cư đến sinh sống đông đúc như kế hoạch rất ít. Đây là một lãng phí trong quy hoạch đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.

Làm dự án “ma”, nhiều DN bị xử lý

BĐS ở Đồng Nai lên cơn sốt kéo dài hơn 3 năm qua  đã dẫn đến hậu quả là một số DN lợi dụng để vẽ quy hoạch, bán dự án “ma” lừa đảo người dân với số tiền lớn. Cụ thể cuối năm 2018, Công ty CP Bất động sản An Gia Lập Nghiệp tự vẽ quy hoạch rao bán đất nền dự án khu đô thị ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa), nhưng đây chỉ là khu đất nông nghiệp. Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đã bị lừa mua với giá từ 550-700 triệu đồng/nền. Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý. Cuối năm 2019, Công ty CP Địa ốc Alibaba bị phát hiện bán 29 dự án “ma” ở Đồng Nai và khi mở rộng điều tra có thêm 9 công ty tiếp tay, giám đốc các công ty này bị tạm giam để điều tra vụ việc. Tuy nhiên, có gần 6 ngàn khách hàng bị lừa với số tiền hơn 2,3 ngàn tỷ đồng. Mới đây, Công an tỉnh bắt tạm giam 3 lãnh đạo Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai vì liên quan đến việc tự vẽ ra 4 dự án khu dân cư là Happy Town 2, Happy Town 3, Green Town, Nice Town (H.Trảng Bom) và lừa bán cho người dân chiếm đoạt cả trăm tỷ đồng.

Uyển Nhi

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích