Tác động của đại dịch Covid-19, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp (DN) trong việc nâng cao năng lực của người lao động, nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Tác động của đại dịch Covid-19, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp (DN) trong việc nâng cao năng lực của người lao động, nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Nhân lực chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên thiết kế tại một doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa. Ảnh: VĂN GIA |
Đối với các DN nhỏ và vừa, ngoài những bất lợi về tài chính, công nghệ thì mối lo về nhân lực là một chướng ngại phải vượt qua để có thể trụ lại và phát triển bền vững.
* Khó đào tạo nhân lực chất lượng cao
Đang trong quá trình chuẩn hóa lại nhà xưởng sản xuất, đón đầu cơ hội sản xuất công nghiệp phụ trợ đáp ứng nhu cầu của thị trường sau dịch Covid-19, ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát cho hay, khó khăn hiện nay của các DN nói chung và ngành Cơ khí, khuôn mẫu nói riêng là lao động. Ngoài vấn đề thiếu lao động chất lượng cao thì tính kỷ luật của người lao động vẫn còn thấp. Tình trạng “nhảy” việc thường xảy ra, với những DN nhỏ thì để đào tạo một công nhân lành nghề rất khó, tuy nhiên lại thường phải đối mặt với sự thu hút lao động từ các DN khác, nhất là những DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý, nghiệp vụ quản trị sản xuất của đội ngũ cán bộ hạn chế khiến cho DN lâm vào khó khăn, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu hoặc hàng sản xuất nhiều nhưng chi phí lại quá cao… Muốn thay đổi phải đầu tư công nghệ sản xuất, đào tạo con người, làm chuẩn ngay từ đầu để hoạt động sản xuất đi vào chuyên nghiệp. Khi đáp ứng đủ những tiêu chuẩn cao của các đối tác thì lẽ tự nhiên, khách hàng sẽ tìm đến nhiều hơn.
Tương tự, đối với ngành sản xuất Gỗ thì đội ngũ nhân lực thiết kế theo thị hiếu khách hàng, nhất là thị trường quốc tế rất quan trọng. “Trong khi thị trường, nguồn vốn rất thuận lợi cho việc mở rộng thì trở ngại nhất chính là việc khó tuyển nhân công lành nghề. Vốn, máy móc và nguồn nguyên, vật liệu DN có thể chủ động được nhưng nhân công lành nghề, có kỹ thuật rất khó tìm. Đây là khó khăn chung của ngành Gỗ hiện tại chứ không riêng gì công ty chúng tôi” - anh Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CP Tiến Đạt Đại Thành cho biết.
Từ đầu năm đến nay, các DN trong tỉnh vẫn liên tục tuyển dụng lao động, trong đó có nhu cầu về lao động chất lượng cao, tuy nhiên số lượng tuyển dụng được chưa nhiều. Trong bối cảnh nền kinh tế dần hồi phục, dự báo việc tuyển dụng lao động sẽ tiếp tục gặp khó trong thời gian tới.
* Cần sự “chuyển mình”
Một khảo sát mới đây của Công ty CP Navigos Group Việt Nam, đơn vị hàng đầu về dịch vụ tìm kiếm nhân sự cấp cao, tuyển dụng và đánh giá nhân sự cho thấy có 82% ý kiến của các DN tham gia khảo sát cho rằng, đào tạo sẽ giúp nâng cao hiệu suất lao động của đội ngũ nhân viên. Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ cùng với rất nhiều sự biến động, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19 đã tái định hình nhiều ngành nghề. Khi bản chất công việc thay đổi và đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng liên tục mới, nhiều DN cho rằng vai trò của phòng đào tạo lại càng trở nên quan trọng khi phải nắm được xu hướng này để có thể cung cấp được các chương trình đào tạo đón đầu.
Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt cho biết thêm, đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ trước hết phải thay đổi nhận thức của Ban lãnh đạo, người đứng đầu công ty. Từ đó, lan tỏa đến đội ngũ nhân viên. Thời gian qua, anh và các cộng sự cũng đã mở các lớp xây dựng DN bài bản. Theo đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng để các chủ DN tự xây dựng cho mình một hệ thống quản lý từ cá nhân đến xây dựng quản lý tất cả các "cột trụ" của một DN siêu nhỏ như tài chính, nhà cung cấp, hàng hóa, khách hàng và nhân sự. Xây dựng DN bài bản là cố gắng làm mọi thứ phức tạp thành đơn giản và dễ hiểu nhất có thể.
Theo các chuyên gia, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, từ đó tăng khả năng đổi mới, sáng tạo, DN cần có sự chuyển hướng trong đào tạo nhân lực. Phát triển đội ngũ thiết kế, sáng tạo thông qua các hình thức như tuyển dụng chuyên gia thiết kế giỏi, cử nhân viên đi đào tạo về thiết kế, khuyến khích tinh thần tự học hỏi, nâng cao trình độ của người lao động. Đó cũng là giải pháp để từng bước xây dựng thương hiệu mạnh tại thị trường nội địa, tiến tới vươn ra quốc tế, đồng thời giúp DN có khả năng đổi mới sản phẩm và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thế giới một cách nhanh hơn.
Song song đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư tài chính và cơ sở vật chất cho DN trên cơ sở đa dạng hóa các nguồn kinh phí từ ngân sách, vốn huy động của DN, vốn viện trợ… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa DN với các viện, trường đào tạo để ứng dụng các nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ. Hình thành nên trung tâm chuyển giao công nghệ làm đầu mối trung gian, đây sẽ là cầu nối để DN và các nhà nghiên cứu, thiết kế giải quyết các vấn đề thị trường.
Văn Gia