Bộ NN-PTNT đang dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai trình Chính phủ phê duyệt ban hành thay thế Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12-11-2019 và Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ hiện đã nảy sinh bất cập so với thực tiễn.
Bộ NN-PTNT đang dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai trình Chính phủ phê duyệt ban hành thay thế Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12-11-2019 và Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ hiện đã nảy sinh bất cập so với thực tiễn.
Thời gian qua, tại các cuộc giao ban giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai với các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, rất nhiều DN phản ánh sự khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định này. Theo các DN, họ ủng hộ quỹ, tuy nhiên, vấn đề là cách thức thu thế nào để cho phù hợp, hài hòa và minh bạch nguồn quỹ thu được.
Lâu nay khi triển khai thu quỹ, cơ quan chức năng quy định DN phải đứng ra thu quỹ từ người lao động, sau đó đóng cho cơ quan quản lý nhà nước. Tại khoản 2, Điều 16 dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai quy định: “Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản của quỹ ở cấp huyện do UBND cấp tỉnh ủy quyền”. Với trách nhiệm của mình, DN đã nộp phần nghĩa vụ theo quy định 1 năm là 2/10.000 tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính hằng năm (tối thiểu là 500 ngàn đồng, tối đa 100 triệu đồng) và tiền này sẽ được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn phải thu nộp thêm của người lao động. Điều này vô hình sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bởi lẽ, tại Điều 102 của Bộ luật Lao động chỉ cho phép DN khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại vật chất, mà không được phép khấu trừ vì bất kỳ lý do nào khác. Trong trường hợp này, nếu khấu trừ lương thì sẽ là vi phạm luật và làm nảy sinh tranh chấp với người lao động. Nếu không khấu trừ trực tiếp mà trả lương xong rồi tiến hành thu lại thì mất thời gian, phiền hà, thậm chí là phản ứng của người lao động. Do vậy, một số DN buộc phải bỏ tiền túi ra để nộp thay người lao động cũng không phù hợp.
Những bất cập này, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng đã khảo sát và chuyển ý kiến của cộng đồng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng DN chỉ nộp phần nghĩa vụ của mình, còn phần đóng góp của người lao động thì do người lao động tự đóng. Chính quyền địa phương có trách nhiệm thu nguồn quỹ này.
Tuy vậy, nếu để địa phương thu thì có lẽ việc thu đúng, thu đủ đối với người lao động còn khó hơn. Đó là chưa kể, theo thống kê, sau hơn 6 năm thành lập, tính đến tháng 10-2020, nguồn quỹ này trên cả nước thu được hơn 3.500 tỷ đồng nhưng chi ra chưa tới 1.700 tỷ đồng. Nếu chiếu theo quy định, số tiền hằng năm mà DN, người lao động phải nộp lại còn lớn hơn tổng số tiền đã thu được trong hơn 6 năm qua; hơn nữa, một số địa phương vẫn còn chưa thành lập quỹ.
Do vậy, sự hài hòa, hợp lý, minh bạch trong quản lý thu chi quỹ này phải được đặt lên hàng đầu để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả.
Văn Gia