Năm 2020, toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Đồng Nai đã vượt mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM kiểu mẫu nhưng yếu tố chất lượng vẫn được đặt lên hàng đầu với các tiêu chí phát triển sản xuất bền vững, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Năm 2020, toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Đồng Nai đã vượt mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM kiểu mẫu nhưng yếu tố chất lượng vẫn được đặt lên hàng đầu với các tiêu chí phát triển sản xuất bền vững, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Khách đến nhà vườn ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) tham quan, vui chơi. Ảnh: B.Nguyên |
Trong đó, hiệu quả lớn nhất về phát triển sản xuất ở các xã NTM kiểu mẫu là góp phần thay đổi cách thức sản xuất của nông dân theo hướng an toàn, nhiều dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất sạch ngày càng phát huy hiệu quả.
* Kiểu mẫu trong sản xuất
Một trong những kết quả nổi bật của xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) khi hoàn thành mục tiêu xã NTM kiểu mẫu vào năm 2020 là sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chủ yếu chuyển từ vườn tạp, đất trồng mía, trồng tràm cho thu nhập thấp sang phát triển vùng chuyên canh cây bưởi có giá trị kinh tế cao. Sau hơn 1 năm hoàn thành mục tiêu xã NTM kiểu mẫu, nông dân xã Bình Lợi ngày càng ý thức rõ hơn về chuyển đổi sang sản xuất sạch để xây dựng thương hiệu vùng sản xuất an toàn, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản.
Gia đình anh Lê Diên Bảo thuộc lớp nông dân đầu tiên của xã Bình Lợi chuyển đổi từ trồng mía, lúa cho thu nhập thấp sang cây bưởi đạt lợi nhuận cao. Anh Bảo là lớp thanh niên trẻ được học hành bài bản nhưng lại chọn về quê khởi nghiệp với nghề nông. Anh có sự năng động trong ứng dụng tri thức, kỹ thuật mới vào sản xuất cũng như đưa các máy móc thay sức lao động con người nên vườn bưởi do anh chăm sóc nổi tiếng ở địa phương về năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài mô hình làm vườn, gia đình anh Bảo nuôi thêm 20 con bò để có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí khi chuyển đổi vườn bưởi sang hướng sản xuất hữu cơ. Anh cũng đăng ký làm chứng nhận VietGAP cho vườn bưởi của gia đình với mong muốn xây dựng được thương hiệu riêng về bưởi an toàn, chất lượng. Tham vọng của chàng nông dân trẻ này là chuyển đổi sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết để nông sản không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu được cả vào những thị trường khó tính để có đầu ra thật sự ổn định, bền vững.
Đây cũng là định hướng phát triển của các địa phương đã và đang xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn Đồng Nai.
Ông Võ Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho biết, xã Xuân Quế về đích xây dựng NTM kiểu mẫu nhờ tập trung phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, mô hình cây sầu riêng năng suất cao, chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng. Các tổ hợp tác, HTX đã liên kết nông dân chuyển đổi cây trồng góp phần tăng thu nhập. Theo đó, thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích trồng trọt của xã hiện đạt khoảng 150 triệu đồng/ha, riêng sầu riêng đạt 350-450 triệu đồng/ha. Ông Hạnh so sánh: “Cách đây 5 năm, thu nhập bình quân đầu người ở xã là 44 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 đã tăng lên con số ấn tượng 68 triệu đồng/người/năm”.
* Tăng giá trị cho đất sản xuất
Ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, các xã NTM kiểu mẫu có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để tạo giá trị gia tăng cho nông sản.
Theo ông Phan Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc), xã đang triển khai xây dựng dự án cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chôm chôm tại HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Hòa có 45 hộ tham gia với diện tích 66ha. Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt như: xử lý ra hoa, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất... Chương trình cây con chủ lực, trái cây sạch, nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại, HTX... đã được người dân tin tưởng và thực hiện.
Hiện xã Bảo Hòa có 8 vùng sản xuất đã được quy hoạch, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả để phát triển diện tích các loại cây trồng chủ lực. Khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho đoàn viên, hội viên phát triển mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất sạch đạt chuẩn VietGAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của sản phẩm nông nghiệp của xã trên thị trường. Ngoài ra, tại địa phương hiện có 24 doanh nghiệp và 561 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã phát triển được một số ngành nghề thế mạnh của địa phương như: chế biến nông sản, bóc tách và cạo vỏ lụa hạt điều, cơ khí... Từ đó đã tận dụng được nguồn nguyên liệu và nhân công tại chỗ của địa phương; giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động; góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn xã“ - ông Hiếu nói.
Xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) lại tập trung phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn để tăng thu nhập cho nông dân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lộc Đoàn Thạch Nam cho biết, địa phương đang tập trung nhân rộng các mô hình vườn cây kiểu mẫu, gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái giúp nông dân làm giàu. Ông Nam so sánh: “Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước. Cụ thể, năm 2017, toàn xã có 12 hộ liên kết làm du lịch vườn với khoảng trên 10ha thì nay đã có cả trăm nhà vườn đăng ký với diện tích trên 150ha. Địa phương cũng chú trọng phát triển sản xuất theo hướng an toàn, tăng diện tích cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP tạo lợi thế để nhân rộng mô hình du lịch vườn”.
Bình Nguyên