Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giữ lửa" cải cách

07:03, 18/03/2021

Để sản xuất mặt hàng chocolate cần 13 giấy phép hay nhập một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải theo 4 văn bản của cùng một bộ…

Để sản xuất mặt hàng chocolate cần 13 giấy phép hay nhập một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải theo 4 văn bản của cùng một bộ… Những câu chuyện tưởng như đùa lại là những câu chuyện “thật 100%” đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chính phủ (Tổ công tác) chia sẻ tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác ngày 16-3.

Thực tế, kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ khóa trước (2011-2016), tình hình thực hiện các nhiệm vụ, công việc được Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ quá hạn thực hiện nhiệm vụ cao, trong đó có nhiều nhiệm vụ, chỉ đạo quan trọng liên quan đến thể chế, an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng chậm được triển khai; nhiều khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc bị “bao vây” giữa một “rừng” thủ tục khiến họ phải chi hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm cho các thủ tục kiểm tra chuyên ngành thời điểm bấy giờ.

Trước bối cảnh đó, ngay tại Phiên họp Chính phủ đầu tiên của nhiệm kỳ (ngày 1-8-2016), Thủ tướng Chính phủ đã công bố, sau đó đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác. Đây là sáng kiến của Thủ tướng, là một mô hình thiết chế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, lần đầu tiên được thành lập với nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, sự ra đời của Tổ công tác đã thực sự trở thành “chất xúc tác” “truyền lửa” cải cách của Thủ tướng tới các bộ, ngành, địa phương.

Trong 5 năm qua, mỗi tháng Tổ công tác tổ chức từ 2-3 buổi làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương; đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với hàng trăm lượt làm việc với 80 bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức 16 buổi làm việc với các hiệp hội để lắng nghe phản hồi chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổ công tác cũng đã kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan phải rà soát, sửa đổi, bãi bỏ nhiều quy định tại 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Qua đó, góp phần cắt giảm “rừng” thủ tục bủa vây doanh nghiệp trước đây.

Với những kết quả đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tổ công tác đã góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”.

Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu trong thời gian tới, Tổ công tác phải bám sát nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Chủ trương 1, biện pháp 10 thì kiểm tra, đôn đốc 20 thì mới thành công” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.  

Lê Văn

Tin xem nhiều