Trong đợt xét, đánh giá sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đợt 1 năm 2021, Đồng Nai có thêm 26 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Trong đó, nhiều đặc sản địa phương đã tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP như: xoài Suối Lớn, tiêu Xuân Thọ (H.Xuân Lộc); bưởi đường lá cam (H.Vĩnh Cửu); gà thảo mộc, trứng gà thảo mộc, khô cá kìm (H.Định Quán); sầu riêng đông lạnh (H.Cẩm Mỹ)...
Trong đợt xét, đánh giá sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đợt 1 năm 2021, Đồng Nai có thêm 26 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Trong đó, nhiều đặc sản địa phương đã tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP như: xoài Suối Lớn, tiêu Xuân Thọ (H.Xuân Lộc); bưởi đường lá cam (H.Vĩnh Cửu); gà thảo mộc, trứng gà thảo mộc, khô cá kìm (H.Định Quán); sầu riêng đông lạnh (H.Cẩm Mỹ)...
Nhiều đặc sản địa phương đạt chuẩn OCOP trong đợt 1 năm 2021. Ảnh: B.Nguyên |
Các đặc sản địa phương được doanh nghiệp, HTX, nông dân chú trọng đầu tư bài bản về nhãn hàng, bao bì, tích cực tham gia quảng bá nhằm nâng tầm và xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương.
* Nhiều đặc sản ngon, an toàn
Các sản phẩm đạt OCOP đợt 1 năm 2021 chủ yếu là các đặc sản địa phương, trong đó có nhiều sản phẩm thịt, trái cây, rau củ quả tươi. Để trở thành sản phẩm OCOP, các đặc sản trên không chỉ đạt các tiêu chí ngon, độc đáo mà các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu.
Cụ thể, sản phẩm trứng gà thảo mộc, gà thảo mộc của HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (H.Định Quán) không chỉ là đặc sản độc đáo của riêng địa phương này mà được HTX đầu tư trại nuôi theo quy chuẩn an toàn, được kiểm tra định kỳ và công bố các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. HTX cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất an toàn nên tiêu thụ tốt vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị.
Ngay cả đặc sản khô cá kìm hồ Trị An của hộ kinh doanh cá thể ở H.Định Quán đạt chuẩn OCOP 3 sao cũng vì được đầu tư bài bản về bao bì, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận cấp mã vạch của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Các sản phẩm bưởi da xanh, bưởi đường lá cam (H.Vĩnh Cửu); xoài Đài Loan, tiêu đen, rau an toàn Tiến Hiệp Lộc (H.Xuân Lộc); bột khổ qua rừng Matcha, tinh chất khổ qua rừng (TP.Long Khánh); các sản phẩm chế biến từ hạt sen và bột ngũ cốc dinh dưỡng (H.Nhơn Trạch) đạt OCOP... là các sản phẩm có tính mới mẻ, độc đáo mang đặc trưng của từng địa phương. Các sản phẩm này đều được chăm chút về các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với tiêu chí không chỉ ngon mà phải đảm bảo an toàn.
Theo Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh, các đơn vị có sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP trong đợt 1 năm 2021 đều có sự đầu tư, chăm chút hơn thể hiện qua số lượng các sản phẩm OCOP 4 sao chiếm tỷ lệ khá cao với 11/26 sản phẩm. Trong đó, các tiêu chí đánh giá chỉ tiêu về sức mạnh cộng đồng gồm các tiêu chuẩn về bao bì, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, cam kết môi trường... được đầu tư. Đây cũng là những tiêu chí được hội đồng và người tiêu dùng rất quan tâm, đặc biệt nhiều mặt hàng nông sản tươi đã được nông dân, HTX đầu tư sản xuất theo chuẩn GAP, truy xuất được nguồn gốc...
* Hướng đến thị trường thế giới
Các đơn vị đầu tư làm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ mong muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vì mục tiêu tham gia tốt ở cả thị trường xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Cô Ba Chuyên (H.Vĩnh Cửu) rất tự hào vì là người đầu tiên tham gia chứng nhận OCOP cho sản phẩm bưởi đường lá cam đặc sản Tân Triều. Bà đã đưa đặc sản bưởi đường lá cam tham gia nhiều hội chợ trong nước và nhận thấy sản phẩm này tuy đã có tiếng nhưng vẫn chủ yếu ở địa phương hoặc nhiều người biết tiếng nhưng chưa từng được ăn hoặc ăn nhưng chưa đúng trái bưởi Tân Triều nên chưa có cảm nhận đầy đủ về chất lượng của trái cây đặc sản này. Mong muốn của nữ giám đốc trẻ này là để người tiêu dùng cả nước và cả thị trường xuất khẩu biết đến đặc sản bưởi Tân Triều. “Tôi sẽ đưa đặc sản bưởi Tân Triều lên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế để quảng bá, bán sản phẩm này. Để đảm bảo nguồn cung đạt chất lượng, tôi đang đề xuất xây dựng đề án liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ bưởi đường lá cam trên địa bàn H.Vĩnh Cửu, thực hiện truy xuất nguồn gốc nhằm chuẩn hóa sản phẩm từ quy trình sản xuất đến phân phối, tiêu thụ” - bà Quyên nói.
Cùng quan điểm, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết, trái sầu riêng của Đồng Nai được đánh giá rất cao về chất lượng, nhất là với các thị trường xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu mặt hàng sầu riêng múi đông lạnh rất tốt qua các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản. Doanh nghiệp đang tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến để năm 2021 cung cấp các đơn hàng vào những thị trường khó tính hơn như Canada, Hoa Kỳ... Theo ông Vùng, bán đặc sản sầu riêng đông lạnh giúp tăng khoảng 300% giá trị so với bán sản phẩm tươi nên doanh nghiệp đang mạnh dạn mở rộng đầu tư quy mô xưởng sản xuất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường xuất khẩu còn rất giàu tiềm năng. Việc sản phẩm sầu riêng đông lạnh của doanh nghiệp đạt chuẩn OCOP 4 sao góp phần xây dựng thương hiệu về chất lượng, uy tín sản phẩm để doanh nghiệp tiếp tục phát triển cả thị trường nội địa và xuất khẩu cho trái sầu riêng đặc sản của Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND Võ Văn Phi đánh giá, số sản phẩm đạt OCOP 4 sao chiếm tỷ lệ cao cho thấy các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP đợt 1 năm 2021 có sự chăm chút hơn về bao bì, chất lượng hàng hóa cũng như các thông tin có liên quan đến sản phẩm. Mong rằng trong thời gian tới, các tiêu chí chưa đạt, nhất các tiêu chí về chứng nhận, tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản... sẽ được quan tâm để mở rộng thị trường xuất khẩu. Riêng với các nông sản tươi sống cũng được các chủ thể quan tâm thực hiện quy trình sản xuất hàng hóa an toàn; quan tâm đến khâu sơ chế, đóng gói để đảm bảo về chất lượng. |
Bình Nguyên