Hiện nay, phần lớn nguồn vốn dành cho thị trường bất động sản đến từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro về tín dụng, nợ xấu. Do đó, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động kiểm soát chặt chẽ, điều hành linh hoạt đối với tín dụng bất động sản.
Hiện nay, phần lớn nguồn vốn dành cho thị trường bất động sản đến từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro về tín dụng, nợ xấu. Do đó, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động kiểm soát chặt chẽ, điều hành linh hoạt đối với tín dụng bất động sản.
Các chính sách điều chỉnh của NHNN giúp kiểm soát dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, góp phần hạn chế vỡ các “bong bóng” nhà đất, nhất là đối với những dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp tiềm ẩn nhiều rủi ro về tín dụng.
Trong đó, vào năm 2019, NHNN đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, tiếp tục siết mạnh kiểm soát cho vay bất động sản bằng cách quy định cụ thể lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Cụ thể, từ 1-1-2020 đến 30-9-2020 tỷ lệ này là 40%; từ 1-10-2020 đến 30-9-2021 là 37%; từ 1-10-2021 đến 30-9-2022 là 34% và kể từ 1-10-2022 sẽ giảm xuống còn 30%.
Đến năm 2020, những diễn biến khó lường của tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam đã ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN cho phép duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mức 40% đến hết ngày 30-9-2021. Sau đó từ 1-10-2021 đến 30-9-2022, tỷ lệ trên sẽ giảm về 37%. Từ 1-10-2022 đến 30-9-2023 còn 34%; và giảm xuống 30% từ ngày 1-10-2023.
Theo nhiều chuyên gia, việc xem xét lùi lộ trình như trên là cần thiết trong tình hình thực tế vốn có nhiều biến động từ đại dịch, góp phần tạo điều kiện giúp các tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, NHNN còn tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản. Điều này sẽ khiến cho các ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn phải thận trọng, cân nhắc kỹ đối với những khoản vay đầu tư vào bất động sản. Bên cạnh đó, việc tách tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản với tín dụng tiêu dùng (chủ yếu cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở) giúp cho cơ cấu tín dụng được quản lý chặt chẽ hơn.
Trước những biến động của thị trường bất động sản nói riêng và những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế nói chung, để thị trường bất động sản đảm bảo sự phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định hơn nữa, thì bên cạnh những cơ chế, chính sách kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực này, cần có thêm sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng liên quan; sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, đất đai, khung giá đất… cũng như cần có sự nghiên cứu chuyên nghiệp, chủ động đến từ các nhà đầu tư, khách hàng vay vốn.
Hải Quân